Những vụ “giết người vì danh dự”
Vụ việc một ông bố ở bang Uttar Pradesh Ấn Độ giết và chặt đầu con gái rồi đi tới tự thú tại đồn cảnh sát đang khiến dư luận bàng hoàng. Người đàn ông này được cho là tức giận khi cô con gái 17 tuổi của mình hẹn hò với một chàng trai mà chưa được sự cho phép của bố. Trong cơn thịnh nộ, ông này đã tuyên bố sẽ dạy cho con gái một bài học và ra tay chặt đầu cô bé. Đây là một trường hợp đau lòng về một quan niệm, một tập tục hà khắc. Đó là “giết người vì danh dự”.
Phụ nữ Ấn Độ không chỉ đối mặt nguy cơ bị tấn công ngoài xã hội mà còn trở thành đối tượng bị miệt thị, phân biệt đối xử ngay trong chính gia đình, từ những người thân của mình. Ảnh: AFP
“Giết người vì danh dự” hay “giết người vì xấu hổ” là tội ác cướp đi sinh mạng một thành viên trong gia đình. Khi đó thủ phạm tin rằng nạn nhân đã mang lại sự xấu hổ hoặc ô nhục cho gia đình. Hoặc nạn nhận bị cho là đã vi phạm các nguyên tắc của cộng đồng hoặc tôn giáo vốn có văn hóa đề cao danh dự. Tập tục này không chỉ xuất hiện tại Ấn Độ.
Người ta đã chứng kiến nhiều vụ án đau lòng vì lý do này tại các quốc Nam Á khác và cả ở Trung Đông. Các lý do điển hình dẫn tới hành vi này gồm ly hôn hoặc ly thân giữa các cặp vợ chồng, từ chối tham gia một cuộc hôn nhân sắp đặt, bị ép buộc sinh con, tình yêu không được gia đình hoặc cộng đồng chấp thuận. Thậm chí, ngay cả việc quan hệ tình dục trước hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân, hoặc một người vô tình trở thành nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục cũng có thể dẫn tới các vụ giết người.
Điểm chung của các vụ án mạng liên quan tới lý do ‘giết người vì danh dự’ là nạn nhân hầu hết là phụ nữ, những người vốn có tiếng nói, địa vị hạn chế trong gia đình và ngoài xã hội. Họ là những người phụ thuộc vào cha mẹ, chồng hoặc gia đình, không có cơ hội để phản kháng hay được lựa chọn lối thoát khác cho bản thân.
Theo Phó Chủ tịch hội Phụ nữ Dân chủ toàn Ấn Độ của bang Uttar Pradesh Madhy Garg, nhiều người quan niệm rằng phụ nữ Ấn Độ, nhất là các cô gái được coi là biểu tượng về danh dự của gia đình, điều này dẫn đến những tội ác như vậy. Trong năm 2019, Ấn Độ ghi nhận 24 vụ giết người vì danh dự.
Bạo lực gia đình và sự cam chịu của phụ nữ
Bạo lực gia đình có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng điều đặc biệt là thói quen im lặng của phụ nữ Ấn Độ. Theo một khảo sát của chính phủ Ấn Độ, hơn 54% đàn ông và 51% phụ nữ nước này cho rằng, một người chồng có quyền đánh vợ nếu cô ta thiếu tôn trọng cha mẹ chồng, bỏ bê nhà cửa và con cái, hoặc thậm chí đơn giản chỉ vì “bỏ muối quá nhiều hoặc quá ít trong thức ăn”. Điều đó có nghĩa sự cam chịu và yên lặng của phụ nữ càng làm cho tình trạng bất bình đẳng gia tăng.
Tại Ấn Độ, số vụ bạo lực gia đình thực tế ở mức trung bình so với thế giới. Tuy nhiên, với dân số 1,3 tỷ người, cùng sự khuếch đại của truyền thông mạng xã hội trong thời đại Internet, khiến thế giới nghĩ rằng vấn đề bạo lực giới ngay trong mỗi tổ ấm tại quốc gia Nam Á này là rất nghiêm trọng. Luật pháp Ấn Độ cũng đã có những hình phạt thích đáng cho những người gây ra tội ác. Tuy nhiên, với một quốc gia đông dân, đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, và điều kiện thu nhập, nhận thức của người dân, các vụ việc bạo lực gia đình vẫn xuất hiện.
Cũng cần phải bàn tới vị trí và vai trò của nữ giới trong xã hội Ấn Độ. Muốn chấm dứt tình trạng bạo lực gia đình, thậm chí là những trường hợp án mạng đau lòng như vụ ‘giết người vì danh dự’ vừa rồi, trước hết cần phải nâng cao sự tự chủ của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Muốn vậy cần phải tạo ra cơ hội học tập, việc làm, cho họ tương xứng với tiềm năng đóng góp cho xã hội của họ.
Ấn Độ là một trong những nước hiện có tỷ lệ lao động nữ thấp nhất thế giới. Năm 2017, chỉ có 27% phụ nữ trưởng thành ở nước này có việc làm hoặc đang tìm kiếm công việc. Trong khi mức trung bình của thế giới là 50% số nữ giới trong độ tuổi lao động. Điều đáng ngại tiếp theo là việc thu nhập và mức lương mà phụ nữ Ấn Độ nhận được khá thấp. Theo Báo cáo Lương toàn cầu năm 2018- 2019, lương theo giờ của phụ nữ Ấn Độ thấp hơn 34% so với nam giới. Đây là mức cao nhất trong số 73 nước được khảo sát.
Một lý do khác khiến nữ giới Ấn Độ ít được tham gia vào thị trường lao động là do tỷ lệ tảo hôn cao. Tổ chức ActionAid ước tính 33% số vụ tảo hôn trên thế giới xảy ra tại Ấn Độ. Độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Ấn Độ hiện vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều nước đang phát triển khác như Brazil, Chile, Kenya và Pakistan.
Kết hôn sớm cũng có nghĩa phụ nữ bị gắn với vai trò làm mẹ, nội trợ nhiều hơn, sớm hơn, mất đi các cơ hội được học hành, thay đổi nhận thức. Như vậy, chưa nói tới các nguyên nhân khác, chỉ riêng việc bất bình đẳng về công việc và thu nhập đã khiến tiếng nói và vị thế của họ trong gia đình thấp đi đáng kể. Đó là chưa nói tới việc kinh tế Ấn Độ bỏ sót một nguồn động lực lớn cho tăng trưởng.
Những chính sách giúp phụ nữ giành quyền tự chủ ở Ấn Độ
Trong những năm gần đây, có thể thấy cuộc chiến giành tự chủ của phụ nữ tại Ấn Độ đã bắt đầu nhen nhóm và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, các tổ chức xã hội và chính phủ Ấn Độ cũng quan tâm vấn đề này với nhiều chính sách bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
Bình đẳng về quyền lợi nam nữ được nêu trong điều 14 và 16 Hiến pháp năm 1950 của Ấn Độ. Trong đó bất cứ sự phân biệt về giới nào cũng bị nghiêm cấm tại đất nước Nam Á này. Ấn Độ cũng từng bước tham gia và phê chuẩn các công ước quốc tế về chấm dứt phân biệt đối xử với phụ nữ. Bước tiến lớn nhất về mặt lập pháp của Ấn Độ là bộ luật Bảo vệ Phụ nữ được giới thiệu năm 1996, quy định tỷ lệ 33% số vị trí trong tất cả các cấp chính trị của nước này phải dành cho nữ giới. Việc đưa ra và phê chuẩn bộ luật này là nỗ lực lịch sử nhằm thay đổi cơ cấu về giới trong nền chính trị Ấn Độ.
Ấn Độ cũng có rất nhiều các dự án cụ thể để trao quyền cho phụ nữ do chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự tiến hành. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra nhiều chương trình để thúc đẩy bình đẳng giới như ‘Cứu trợ trẻ em gái, Giáo dục trẻ em gái’, hay chương trình trang bị đường ống cấp khí đốt khí dành cho các hộ gia đình có thu nhập dưới mức nghèo khổ.
Những chính sách hỗ trợ thiết thực này giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ, giúp họ nâng cao sức khỏe và tuổi thọ. Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng có các sáng kiển sử dụng công nghệ để hỗ trợ các doanh nhân nữ, các nhóm hỗ trợ cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ (NGO). Mỗi chương trình đều có mục tiêu riêng, từ cải thiện phúc lợi của trẻ em gái, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng đến hỗ trợ các doanh nhân nữ khởi nghiệp.