Nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn ở mức 38 - 40 độ C, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực. Mặc dù, các ngành chức năng, địa phương có rừng trong tỉnh đã triển khai các giải pháp để bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Khoảng 12h trưa 30/6/2018, một đám cháy bất ngờ bùng phát trên núi Hói Lã thuộc địa bàn thôn Đồng Vợi của xã Trường Sơn, Đức Thọ (ảnh: Ngọc Thanh)
Chỉ trong 10 ngày qua (từ 21/6 - 1/7), trên địa bàn tỉnh liên tiếp xẩy ra 6 vụ cháy rừng. Theo đó, tổng diện tích rừng bị cháy là 37,02 ha; diện tích rừng bị thiệt hại, ước tính ban đầu gần 10 ha. Cụ thể: Huyện Đức Thọ 3 vụ, Hương Sơn 2 vụ và huyện Vũ Quang 1 vụ.
Những điểm chung của các vụ cháy rừng nêu trên là chủ yếu cháy rừng trồng (thông, keo), chỉ có trên 3,5 ha là rừng tự nhiên; thời gian cháy bắt đầu từ 13 - 15h; thời gian cháy kéo dài, lực lượng chữa cháy được huy động lên đến hàng trăm người và các vụ cháy đều đang điều tra, chưa tìm ra nguyên nhân.
Nhắc đến như thế để thấy một điều không mới: cháy rừng luôn xẩy ra vào thời điểm nắng nóng cao điểm, kéo dài và rất khó khăn trong việc cứu chữa, điều tra làm rõ nguyên nhân; gây thiệt hại lớn về rừng...
Việc dập lửa chủ yếu vẫn bằng phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian khống chế (Ảnh: Ngọc Thanh)
Nhiệm vụ BVR - PCCCR luôn được các cấp ngành, địa phương, chủ rừng trong tỉnh quan tâm và được triển khai thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Năm 2018 này cũng vậy. Các cấp, ngành liên quan, các địa phương, chủ rừng... đều có nhiều cố gắng trong việc triển khai kế hoach BVR - PCCCR với nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức người dân; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác BVR - PCCCR; đầu tư phương tiện, dụng cụ, củng cố các công trình phục vụ PCCCR; tổ chức chữa cháy và giải quyết hậu quả sau khi cháy...
Tuy vậy, thực tế cho thấy, những cố gắng trên rất đáng ghi nhận nhưng rõ ràng là chưa đủ để ngăn chặn, ứng phó có hiệu quả tình trạng cháy rừng.
Công tác truyền thông về PCCCR luôn được các ngành, địa phương quan tâm
Theo một số chuyên gia lâm nghiệp, để đối phó với vấn nạn cháy rừng, chỉ phòng ngừa thôi chưa đủ. Bỏ qua nguyên nhân khách quan như nắng nóng kéo dài với nhiệt độ cao, rừng rộng, ít người, kinh phí ít, địa hình hiểm trở..., thì việc kiểm soát lửa rừng chưa được chính quyền, các chủ rừng, người dân quan tâm, tuân thủ đúng mức. Phải "chống" bằng cách tăng cường kiểm tra, kiểm soát người không có phận sự vào rừng, triệt tiêu "mồi lửa" ngay từ cửa rừng.
"Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây cháy rừng là do người đưa lửa vào rừng; người đốt lửa trong rừng khi chưa được phép của lực lượng chức năng... Vì vậy, nếu chúng ta không làm được việc kiểm soát, ngăn chặn thì cháy rừng vẫn cứ diễn ra..." - một cán bộ lâm nghiệp nói.
Đốt thực bì trong thời điểm nắng nóng sẽ gây ra hiểm họa lớn nếu không được kiểm soát chặt chẽ
Những câu hỏi liên quan đến ngăn chặn chủ thể đưa lửa vào rừng liên tiếp được những người có trách nhiệm đặt ra, sau những vụ cháy rừng vẫn chưa có lời giải. Và, đây là vấn đề cần tập trung giải quyết sớm, triệt để mới mong giảm thiểu số vụ cháy rừng trong thời gian tới.
Một nguyên nhân khác cũng rất đáng quan tâm. Do thiếu kinh phí nên việc tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập... nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên ngành, cán bộ chuyên trách, lực lượng hợp đồng, lực lượng BVR của các xã, chủ rừng trong công tác BVR - PCCCR còn nhiều hạn chế... Nguyên nhân này đã làm giảm đi ít nhiều sự kịp thời, hiệu quả khi có cháy rừng lớn xẩy ra. Vụ cháy rừng ở Đức Thọ, Nghi Xuân mới đây càng cho thấy rõ điều đó!
Thiết nghĩ, cấp bách giải quyết 2 nguyên nhân cơ bản trên sẽ ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng.