“Hơn 20 năm trước, gia đình tôi lên vùng Thượng Lộc theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới. Lúc đó, vùng đất của gia đình chỉ là đồi núi hoang sơ, đường đi khó khăn, nhìn ra chỉ thấy cỏ mọc um tùm…” – anh Viết nhớ lại.
Cuộc sống của gia đình anh Viết vô cùng khó khăn, chật vật bởi lúc đầu anh chỉ trồng ngô trên diện tích nhỏ nên quanh năm không đủ ăn. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, lại khao khát làm giàu để thay đổi cuộc sống, anh chị đã biến vùng đất hoang, cỏ dại um tùm năm xưa thành trang trại bạt ngàn cây trái.
Hiện tại, với trang trại trù phú gần 5 ha, mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng. Gia đình anh trở thành một trong những hộ làm kinh tế vườn đồi tiêu biểu nhất của xã Thượng Lộc.
Cán bộ xã Thượng Lộc đến kiểm tra tình hình phát triển của cây cam tại trang trại anh Đặng Văn Viết.
Hành trình xây dựng trang trại cũng gặp vô vàn khó khăn, vất vả, năm 1995, gia đình đưa cây cam từ Hương Sơn về trồng thử nhưng do thiếu hiểu biết và kỹ thuật nên cây héo rồi chết dần. Không nản chí, vợ chồng anh lại “khăn gói” lên nhà người bà con có nhiều năm kinh nghiệm trồng giống cây này để học hỏi thêm. Mãi đến năm 1998, khi đã có cơ sở hơn, anh mới mạnh dạn vay vốn đầu tư, đưa 200 gốc cam từ Hương Sơn về vườn.
Từ gần 200 gốc cam ban đầu, đến nay trang trại của anh Viết đã có gần 1.200 gốc cam, cho hiệu quả kinh tế cao.
“Lúc ấy không phải có máy móc như bây giờ, vợ chồng tôi phải thuê trâu cày đất để bón phân chuồng, vừa cày xới, đóng cọc vừa phát quang bụi rậm để mở rộng diện tích. Những năm ấy đường đi khó khăn mà nhà chúng tôi lại chưa chuyển hẳn vào trang trại nên hai vợ chồng toàn cơm đùm cơm gói lên đồi từ sáng đến tối mịt mới về đến nhà” – anh Viết tâm sự.
Nhờ sự quyết tâm, đam mê cùng quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, thấy cam trồng trên đất Thượng Lộc có vị ngọt đậm, màu sắc đẹp lại phát triển đồng đều thì anh tiếp tục mạnh dạn vay vốn đầu tư. Đến nay, trên diện tích gần 5ha đã có gần 1.200 gốc, trong đó gần 800 gốc đang cho thu hoạch". Năm 2017, vườn cam của gia đình anh đạt sản lượng gần 13 tấn, trừ chi phí, tính ra cũng lãi gần 400 triệu đồng.
Năm 2017, vườn cam của anh cho thu về gần 13 tấn quả, trừ chi phí, gia đình anh lãi 400 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn tìm hiểu và trồng thêm gần 200 gốc chanh, 100 gốc bưởi và nhiều loại cây ăn quả khác để tận dụng diện tích có sẵn và đa dạng các loại cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình.
Anh Viết chia sẻ: “Cam là giống cây khá phù hợp với đất đồi, đất sỏi nơi đây, nếu đã phát triển ổn định thì sẽ không mất nhiều công chăm sóc. Nhưng để cây cam được bền, đậu quả nhiều thì cần rải rơm rạ hoặc ủ trấu dưới gốc cùng với phân chuồng ủ hoai vào đúng thời điểm để cây có đủ dinh dưỡng phát triển tốt. Ngoài ra, cũng cần sử dụng các chế phẩm sinh học để quả đảm bảo chất lượng”.
Thành quả hôm nay đến từ chính sự cố gắng và chăm chỉ của hai vợ chồng anh Viết.
Nhờ chăm bón theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp cùng sự tìm tòi và học hỏi của bản thân, vườn cam nhà anh Đặng Văn Viết năm nào cũng sinh trưởng và phát triển tốt, cây nào cây nấy đều trĩu quả.
Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân khẳng định: “Chính sự chăm chỉ và kiên trì cùng khát khao làm giàu đã đem đến cho gia đình anh Viết thành quả như ngày hôm nay. Qua đó, góp phần lan tỏa và khuyến khích các mô hình kinh tế của địa phương.”