Người dân bỏ phiếu tại điểm bầu cử Tổng thống Pháp ở Saint Pierre. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khoảng 45,7 triệu cử tri Pháp đủ điều kiện để đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. Các điểm bầu cử sẽ đóng cửa vào 19 giờ (tức 0 giờ ngày 24/3 giờ Hà Nội).
Tại một số thành phố lớn như Paris, Marseille, Lyon..., giờ bỏ phiếu sẽ kết thúc muộn hơn, vào 20 giờ.
Một ngày trước khi vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp chính thức diễn ra, các công dân Pháp ở nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại như Polynesia ở Nam Thái Bình Dương và Guadeloupe, Guiana và Martinique nằm ở phía Đông vùng biển Caribe đã đi bỏ phiếu trong ngày 22/4.
Tương tự, các kiều dân Pháp sinh sống tại New York (Mỹ) và Montréal (Canada) cũng đã đi bầu trước một ngày.
Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu tại các vùng lãnh thổ trên sẽ chỉ được công bố vào tối 23/4 sau khi các điểm bỏ phiếu tại Pháp đóng cửa.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tại vòng 1 của cuộc bầu cử sẽ có sự tham gia tranh cử của 11 ứng cử viên. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy bốnứng cử viên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhất.
Hiện ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 23%, tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen với 22%, hai ứng cử viên gồm cựu Thủ tướng François Fillon và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon đứng ở vị trí ngang nhau với 19%.
Dự báo sẽ không có ứng cử viên nào giành đủ số phiếu quá bán trong vòng 1, hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra vào 7/5 tới.
Để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trong bối cảnh vừa xảy ra vụ tấn công ngay tại Đại lộ Champs-Elysées, ở trung tâm thủ đô Paris, Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve ngày 21/4 tuyên bố đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát. Theo đó, tất cả lực lượng tinh nhuệ đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao nhằm đảm bảo an toàn cho các công dân trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
Trước đó, Bộ Nội Vụ Pháp cũng đã thông báo ngoài lực lượng chống khủng bố Sentinelle lên đến 10.000 người, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh sẽ được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp.
Kết quả các cuộc khảo sát trong những ngày qua cho thấy, tỷ lệ đi bầu sẽ không cao. Khoảng 72% cử tri tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, vụ nổ súng tối ngày 20/4 tại Đại lộ Champs-Elysées và vụ bắt giữ hai ngày trước đó hai đối tượng đang âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở thành phố Marseille có thể sẽ là yếu tố khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, nhằm chọn ra ứng cử viên có khả năng hành động kiên quyết và hiệu quả để bảo vệ người dân trước nguy cơ khủng bố. Đây cũng có thể là nhân tố tạo bước ngoặt tác động tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vòng một.
Bên cạnh đó, khoảng 30% cử tri cũng cho biết chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Theo giới chuyên gia, quyết định bỏ phiếu của các cử tri còn do dự cũng có thể làm thay đổi kết quả các cuộc thăm dò trước đó.
Kể từ 19 giờ ngày 23/4, công tác kiểm phiếu sẽ được bắt đầu. Dự đoán, kết quả sẽ rất sít sao giữa 4 ứng cử viên thuộc tốp đầu. Cuộc bầu cử Tổng thống năm nay là cuộc bầu cử khó đoán định nhất ở nước này từ trước tới nay. Những diễn biến bất ngờ từ đầu cuộc đua đã làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên.
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay cũng được báo chí nước ngoài theo dõi sát sao. Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) lo sợ sẽ xảy ra cú sốc tương tự như việc nước Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit) và bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 nếu ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) thắng cử, bởi vì bà Marine Le Pen liên tục dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bỏ phiếu vòng 1 thời gian qua.