Kim cương xanh trong tự nhiên cực kỳ quý hiếm - Ảnh: Economic Times
Một buổi chiều năm 1989, tên trộm quyết định ra tay trong lúc vợ chồng hoàng tử Faisal của Vương quốc Saudi Arabia vắng nhà để đi nghỉ mát.
Kriangkrai Techamong làm công việc quét dọn trong tòa dinh thự, anh ta biết có 3 trong 4 két sắt chứa nữ trang, đá quý của ông chủ thường xuyên không khóa.
Ở Saudi Arabia, đây là một trọng tội có thể chịu hình phạt chặt tay, nhưng Kriangkrai quyết không bỏ qua cơ hội vàng để trang trải nợ nần và rời xa cuộc sống ngộp thở ở xứ này.
Siêu trộm Xiêm La
Kriangkrai viện cớ để ở lại bên trong tòa nhà sau khi màn đêm buông xuống. Anh ta chờ đến khi mọi người ra về hết rồi lẻn vào phòng ngủ của hoàng tử Faisal, mở két sắt và khoắng hết những gì có thể.
Đêm đó, Kriangkrai giấu chiến lợi phẩm trong khắp dinh thự, những chỗ mà một người làm công lâu năm biết sẽ không ai chú ý. Trong một tháng tiếp theo, anh ta kiên nhẫn mang đi từng món và giấu chúng trong một kiện hàng lớn chuẩn bị gửi về Thái Lan.
Vào thời điểm vụ trộm bị phát giác, Kriangkrai đã tẩu thoát về Thái, riêng kiện hàng rời đi trước đó vài ngày. Các quan chức Saudi ước tính số báu vật bị mất nặng đến 30kg, trị giá gần 20 triệu USD.
Để qua lọt hải quan Thái, Kriangkrai bỏ một phong bì tiền dày cộp vào trong kiện hàng cùng mẩu giấy giải thích “số hàng là văn hóa phẩm khiêu dâm… xin các anh đừng kiểm tra”.
Kế hoạch diễn ra trót lọt, tuy nhiên Kriangkrai không thể chạy trốn công lý được lâu. Tháng 1-1990, tên trộm bị bắt giữ tại nhà riêng ở tỉnh miền bắc Lampang sau khi cảnh sát Thái được các đồng nghiệp Saudi thông báo.
Kriangkrai Techamong năm nay đã 61 tuổi - Ảnh: BBC Thai
Viên kim cương xanh
Số ngọc quý và trang sức Kriangkrai ăn trộm lần lượt được thu hồi, nhưng từ đó cho đến lúc chúng được trao trả về Riyadh, một biến cố đã xảy ra: Các quan chức Saudi tuyên bố còn đến 80% báu vật bị mất tích, và nhiều món người Thái trả lại là đồ giả.
Điều khiến người Saudi cay đắng nhất là sự biến mất của viên kim cương xanh cực hiếm 50 carat, to bằng quả trứng. Trong tự nhiên, một vạn viên kim cương mới có một viên có màu, mà màu xanh dương lại vô cùng hiếm, chỉ có ở những viên đá hình thành ở độ sâu 600km trong lòng đất.
Không ai biết nguồn gốc viên kim cương Saudi, nhưng một chuỗi bi kịch cũng bắt đầu từ đây.
Đầu tháng 2-1990, hai quan chức thuộc Lãnh sự quán Saudi tại Bangkok đang lái xe đến trụ sở thì bị bắn chết bởi những tay súng lạ mặt khi chỉ còn cách điểm đến vài trăm mét. Cùng lúc đó, một tay súng khác xâm nhập căn hộ một đồng nghiệp của họ và bắn chết anh ta.
Vài tuần sau, một doanh nhân Saudi tên Mohammad al-Ruwaili được cử đến Bangkok để điều tra số châu báu mất tích, nhưng ông này cũng bị bắt cóc và không bao giờ được nhìn thấy nữa.
Cảnh sát Thái Lan và số tang vật được thu hồi; Kriangkrai bị còng tay đứng bên phải - Ảnh: BBC
Ai là thủ phạm?
Mohammed Said Khoja là nhà ngoại giao Saudi với 35 năm kinh nghiệm. Ông được phái đến Bangkok ngay sau vụ trộm để giám sát cuộc điều tra. Vụ án này khiến ông phải ở lại đến mấy năm thay vì vài tháng như kế hoạch ban đầu.
Với tính cách thẳng hiếm thấy ở một nhà ngoại giao, Khoja nhiều lần xuất hiện trên mặt báo địa phương công khai cáo buộc cảnh sát Thái biển thủ số châu báu sau khi thu hồi, và các vụ giết người là nhằm che đậy hành động này.
Dưới áp lực của Saudi Arabia, Thái Lan tìm ra người đàn ông xử lý số châu báu do Kriangkrai mang về nước. Nhà lái buôn này bị cáo buộc là đã bán số hàng và đánh tráo bằng đồ giả.
Nhưng đến tháng 7-1993, vợ con nhà lái buôn bỗng mất tích, thi thể họ được phát hiện trong một chiếc Mercedes đậu ở ngoại ô Bangkok sau đó. Dù trên thi thể có dấu vết đánh đập, báo cáo pháp y kết luận họ chết do bị một chiếc xe tải tông.
Nhà ngoại giao Khoja lại xuất hiện trên mặt báo: “Tay giám định tưởng chúng tôi ngu. Đây không phải tai nạn. Bọn họ muốn che đậy vụ án”.
Hóa ra ông nói đúng. Sau đó, người ta phát hiện nhóm cảnh sát chịu trách nhiệm thu hồi châu báu đã biển thủ một số, cưỡng ép người lái buôn và giết chết vợ con ông ta. Tay chỉ huy tên Chalor Kerdthes phải thụ án tù 20 năm.
Sau vụ trộm và chuỗi án mạng, Saudi Arabia hạ cấp quan hệ với Thái Lan. Động thái này khiến số lao động Thái làm việc ở Saudi giảm từ hơn 200.000 xuống chỉ còn 15.000, làm tổn thất hàng tỉ đô la kiều hối cho nền kinh tế Thái Lan.
Quan hệ hai nước đến nay cũng không khá hơn bao nhiêu.
Nhà ngoại giao Saudi Mohammed Said Khoja và những bằng chứng của vụ án trộm châu báu trên bàn - Ảnh: BBC
30 năm sau
Đến nay đã 28 năm trôi qua từ khi Kriangkrai mãn hạn tù, và 30 năm sau cái đêm định mệnh trong hoàng cung Saudi. Ông cảm thấy lo lắng khi một nhóm phóng viên BBC tìm đến nhà.
“Những gì xảy ra với tôi là cơn ác mộng” - ông Kriangkrai trần tình.
“Khi cảnh sát đến, tôi chọn không phản kháng, tôi đầu hàng. Tôi còn trả lại số đá quý và giúp họ tìm lại những món đã bán. Nếu không phải vì những người quyền lực nhúng tay vào, câu chuyện đã không lớn đến vậy” - Kriangkrai kể lại.
Chalor Kerdthes và Kriangkrai là hai người duy nhất bị bỏ tù trong vụ án viên kim cương. Tháng 3 vừa qua, Tòa án Tối cao Thái Lan tuyên vô tội đối với 5 cựu cảnh sát liên quan đến vụ mất tích của doanh nhân người Saudi Mohammad al-Ruwaili.
Kriangkrai năm nay đã 61 tuổi. Ông từng xuống tóc đi tu 3 năm, trước khi hoàn tục vì phải lo cho gia đình.
“Tôi muốn xuất gia để xóa lời nguyền của viên kim cương Saudi” - ông giải thích.
Dù đã vào chùa, Kriangkrai cho biết người ta vẫn tìm đến ông để hỏi nơi giấu viên kim cương xanh. Ông không nói gì càng làm họ nghi ngờ viên đá đang nằm đâu đó ở nhà ông.
Người Saudi đến nay vẫn chưa tìm lại được viên kim cương của họ.