Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, thời gian qua với vai trò, trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện, đảm bảo cung cấp đủ than, khí, dầu cho phát điện; Phối hợp vận hành các hồ thủy điện nhằm góp phần đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở hạ du của các hồ thủy điện; triển khai các Chương trình Quản lý nhu cầu phụ tải, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện, nhằm mục tiêu cắt giảm phụ tải đỉnh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho năm 2020.
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định, Điện lực Hà Tĩnh thường xuyên tập trung công tác vệ sinh sứ đường dây, nâng cấp cải tạo kết hợp duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện (Ảnh tư liệu)
Đối với việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội, cũng như sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà máy điện đảm bảo độ sẵn sàng của các tổ máy phát điện. Yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia thường xuyên cập nhật, tính toán Kế hoạch cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia bám sát tình hình thủy văn và phụ tải thực tế; Tổng công ty truyền tải và phân phối tăng cường năng lực, đảm bảo vận hành hệ thống cung cấp đủ điện cho đất nước một cách an toàn, liên tục.
Đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, trên cơ sở số liệu báo cáo của EVN, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện trong khoảng thời gian 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Cụ thể, đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh, Bộ đề xuất giảm giá điện ở khung giá cao điểm, bình thường và thấp điểm với mức giảm 10% so với đơn giá tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.
Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng) sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid.
Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch Covid.
Đối với cơ sở lưu trú du lịch, với mục đích hỗ trợ các cơ sở lưu trú du lịch giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid, sớm khôi phục sau khi hết dịch, đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá áp cho các hộ sản xuất.
Ngoài ra, EVN sẽ thực hiện miễn giảm (hỗ trợ tiền điện từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 cho các cơ sở trực tiếp chống dịch Covid với tổng số tiền ước khoảng 100 tỷ đồng. Cụ thể: (i) giảm 100% giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19; (ii) giảm 20% giá bán điện cho cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19; (iii) giảm 20% giá bán điện cho các khách sạn được sử dụng để cách ly.
Tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện theo Phương án do Bộ Công Thương đề xuất là khoảng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 6.104 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú du lịch là 1.840 tỷ đồng; các hộ sinh hoạt được hỗ trợ khoảng 2.930 tỷ; các cơ sở phục vụ chống dịch Covid khoảng 100 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo các khách hàng được hưởng giá điện theo đúng quy định của Nhà nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đôn đốc, yêu cầu EVN chỉ đạo kiểm tra các Tổng công ty điện lực, các đơn vị điện lực thực hiện nghiêm túc việc áp giá bán lẻ điện đúng đối tượng theo quy định. Đặc biệt lưu ý việc áp dụng giá bán điện theo đúng quy định cho các khách hàng nằm trong chuỗi quá trình sản xuất và lưu thông hàng nông sản.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, tiết kiệm chi phí sửa chữa lớn tại các Tổng Công ty Điện lực, các Công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, tiết kiệm chi phí tiền lương tại cơ quan EVN và các đơn vị thành viên…
Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia thường xuyên cập nhật, tính toán Kế hoạch cung cấp điện của hệ thống điện quốc gia bám sát tình hình thủy văn và phụ tải thực tế để có phương thức vận hành kinh tế đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng thời yêu cầu EVN tính toán lại chi phí mua điện năm 2020 đặc biệt chi phí mua điện 10 tháng cuối năm 2020 với các thông số đầu vào cập nhật như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Công Thương chiều ngày 31/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra đảm bảo hệ thống điện cấp điện an toàn, liên tục cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như các cơ sở y tế, cơ sở cách ly trong mọi tình huống. |
Theo Congthuong.vn