Gần 10 năm nay, cánh đồng lúa gần 2 ha của 7 hộ đồng bào dân tộc Chứt ở Bản Giàng 2 (xã Hương Vĩnh) luôn trong tình trạng bỏ hoang vụ hè thu, hoặc sản xuất theo kiểu được mất do trời. Nguyên do là bà con ở đây chưa chịu khó đầu tư công sức, chưa đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, kỹ thuật canh tác hạn chế, thủy lợi yếu kém... Điều này đã dẫn đến nhiều vụ mùa thất bát, năng suất không cao.
Trước thực trạng đó, vụ hè thu này, Đồn Biên phòng Bản Giàng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cắt cử nhiều lượt CBCS xuống bản cùng đồng bào tập trung cải tạo mặt ruộng, đắp bờ vùng, bờ thửa, khơi thông nguồn nước...
Lính biên phòng còn trực tiếp tham khảo, lựa chọn mua các loại giống lúa, phân bón phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng để mang về cho bà con. Nhờ vậy, lúa vụ hè thu đang phát triển khá tốt.
Chị Hồ Thị Hà (dân tộc Chứt) ở Bản Giàng 2, xã Hương Vĩnh chia sẻ: “Hoạt động sản xuất của 15 hộ/53 khẩu ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn nên vào những thời điểm mưa rét kéo dài, những tháng giáp hạt thường bị thiếu lương thực. Để khắc phục tình trạng này, BĐBP đã vận động bà con chăm lo sản xuất, chí thú làm ăn, chú trọng nâng cao trình độ canh tác, chăn nuôi. Các anh cũng sẵn sàng nghiên cứu tài liệu để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con và cùng nhau xuống ruộng cày bừa, gieo cấy, chăm sóc cây trồng, bảo vệ vật nuôi, thu hoạch mùa màng... Bà con tin tưởng và biết ơn các anh rất nhiều”.
42 hộ với 147 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Chứt sinh sống ở bản Rào Tre (xã Hương Liên) cũng thường xuyên nhận được sự giúp đỡ BĐBP Bản Giàng để dần đoạn tuyệt với cuộc sống đói nghèo và lạc hậu. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những người lính mang quân hàm xanh, đời sống của đồng bào nơi đây đã sang trang mới, dân bản đã biết đưa cơ giới vào sản xuất, cơ bản nắm được kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, có cuộc sống ngày càng no đủ, nhiều hộ đã biết làm giàu, nhiều nhà có xe máy, tivi, các tiện nghi hiện đại khác.
Bên cạnh hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, những người lính biên phòng ở Rào Tre còn tích cực hỗ trợ bà con “an cư” để “lạc nghiệp”. Chị Hồ Thị Hường ở bản Rào Tre chia sẻ: “Tôi là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống khó khăn, nhà cửa xuống cấp nên thường xuyên nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của các chú BĐBP. Mới đây, nhờ các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ và BĐBP cắt cử 7 bộ đội trực tiếp đứng ra cáng đáng mọi việc nên tiến độ xây dựng nhà rất nhanh chóng”.
Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre (Đồn Biên phòng bản Giàng) cho biết: “Chúng tôi ngày đêm bám bản, chăm lo cho bà con đủ mọi việc từ hỗ trợ lương thực, tiếp nhận và phân phối quà tặng từ các tấm lòng hảo tâm, vận động nguồn lực xây dựng nhà ở, chỉnh trang cảnh quan xóm làng... đến nhận nuôi các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nhiều việc làm ý nghĩa khác. Đặc biệt, trong sản xuất, chúng tôi đã kiên trì, bền bỉ hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lịch thời vụ, lựa chọn cây giống, con giống... nên giờ đây hầu như nhà nào cũng có trâu, bò, lợn, gà; riêng năng suất lúa vụ xuân vừa rồi đã đạt trên 2,5 tạ/ sào”.
Đồn Biên phòng Bản Giàng được phân công quản lý bảo vệ tuyến biên giới dài gần 18km, 6 cột mốc, 3 xã biên phòng (Hương Vĩnh, Hương Lâm, Hương Liên) và 2 bản có đông đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Thời gian qua, cùng với việc giúp đỡ, đồng hành với bà con dân bản ổn định cuộc sống, vươn lên đói nghèo và lạc hậu thì những người lính biên phòng ở đây còn luôn coi trọng việc giữ gìn sự bình yên cho các bản vùng biên, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của đồng bào. Các anh cũng đã tạo dựng “thành lũy” để ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng rủ rê bà con làm việc xấu, vi phạm pháp luật, vượt biên, bỏ trốn vào rừng sống du canh du cư...
Bên cạnh đó, những người lính đeo quân hàm xanh ở đây cũng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc, các đường mòn, lối mở. Từ năm 2019 đến nay, BĐBP Bản Giàng đã tổ chức được 120 đợt tuần tra đường biên, cột mốc với 800 lượt CBCS và người dân tham gia, tiếp nhận 346 nguồn tin có giá trị từ quần chúng. Qua đó, kịp thời ngăn chặn các đối tượng xấu xâm nhập biên giới làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của đồng bào và thực hiện các hành vi phạm pháp ở khu vực biên giới như buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, khai thác gỗ và tài nguyên trái phép...
Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng bản Giàng cho biết: “Xác định “đồn là nhà, biên giới là quê hương”, mỗi CBCS trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân và xem việc giúp dân cũng chính là giúp mình. Theo đó, chúng tôi đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng khác tổ chức củng cố cơ sở chính trị ở thôn bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, giữ gìn ANTT, đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi tệ nạn và tập tục xấu, cải thiện giống nòi bằng cách hạn chế hôn nhân cận huyết... Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ máu thịt giữ quân với dân và tạo thêm sức mạnh để xây dựng biên cương ngày càng giàu đẹp, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”.