Bóng chuyền Việt Nam: Lộ trình bấp bênh

Cứ cho rằng thầy ngoại là sự lựa chọn tối ưu cho bóng chuyền Việt Nam thời điểm này. Nhưng chiến lược sử dụng con người của Liên đoàn bóng chuyền quốc gia (VFV) lâu nay vẫn khá ngắn hạn, không tạo dựng được niềm tin đối với chính những nhà chuyên môn trong nước, chứ chưa nói đến dư luận, người hâm mộ.

Ở cương vị nhà quản lý của bóng chuyền Việt Nam, nếu phát ngôn rằng “mời chuyên gia Nhật Bản sang để giúp đội tuyển nữ quốc gia bảo vệ tấm HCB tại SEA Games 29” thì chắc chắn chỉ nhận được sự mỉa mai từ giới làm nghề.

Mà trên thực tế, nhiều người đã cười khẩy và tỏ ý thất vọng về tuyên bố của vị quan chức thuộc VFV mới đây. Đội tuyển nữ, như lâu nay thường thấy, chỉ đứng dưới Thái Lan ở đấu trường khu vực và vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ khác trong khu vực.

bong chuyen viet nam lo trinh bap benh

Bóng chuyền vẫn đang phát triển khá bấp bênh

Điều này đã diễn ra ngót nghét hơn chục năm rồi chứ chẳng mới mẻ gì. Thậm chí, nhiều HLV còn nói huỵch toẹt rằng cứ giao đội tuyển cho các VĐV như Ngọc Hoa, Kim Huệ… tự quản thì vẫn thành công với mục tiêu giành HCB SEA Games mà chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều.

Thế cho nên, khi các vị quan chức của VFV bảo rằng mời chuyên gia Hidehiro Irisawa đến Việt Nam trước mắt là giúp đội tuyển nữ “bảo vệ HCB SEA Games” thì nghe có vẻ sợ sệt và ngán ngẩm cuộc chạy đua cùng đối thủ duy nhất và vẫn dưới cơ mình như Indonesia. Vì vậy, từ việc làm rất ý nghĩa và cần thiết là mời chuyên gia đến để giúp phát triển bóng chuyền nữ Việt Nam, chính VFV đã làm giảm giá trị của thương vụ này.

Ngay cả khi vị HLV người Nhật Bản có huấn luyện và đào tạo VĐV cho chúng ta tốt đến mấy đi nữa thì trong con mắt của nhiều đồng nghiệp, hình ảnh chắc chắn chẳng còn vẹn nguyên như trước. Mà cũng chưa thể khẳng định được rằng vị chuyên gia người Nhật Bản sẽ ở lại với bóng chuyền Việt Nam được bao lâu, với cách tư duy rất thời vụ và ngắn hạn của đa số những vị rất kém về chuyên môn trong VFV.

Trước, VFV từng mời nhiều thầy, hứa sẽ giữ chân thật lâu và sẽ giúp bóng chuyền Việt Nam xây dựng lại ngôi nhà theo cách thật bền vững và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, chưa một lần trong suốt hơn chục năm qua, giấc mơ đó thành hiện thực, chủ yếu vì nội bộ của VFV không đoàn kết, vài nhà quản lý quá chuyên quyền và chi phối toàn bộ hoạt động của bộ máy, dù cho đấy là những vị trí yếu kém nhất về chuyên môn.

Dư luận, kể từ khi Ban chấp hành nhiệm kỳ 6 đắc cử và vài người được tái cử, đã rất trông đợi vào một chiến lược giúp bóng chuyền phát triển mạnh mẽ, có thể chưa “lột xác” được như bóng đá trẻ, như futsal ở tầm cỡ thế giới, nhưng cũng phải thể hiện được chút dấu ấn gì đó vẻ vang. Tiếc thay, “bình mới” - tức VFV nhiệm kỳ 6 - thì khá mới mẻ, xong “rượu” trong cái bình ấy vẫn cũ rích khi mà chi phối hoạt động của bóng chuyền tiếp tục là người yếu nhất về chuyên môn (từng nắm vị trí Tổng thư ký).

Thậm chí, người trong giới bóng chuyền đang thất vọng với cục diện hiện tại ở VFV, tức là ông Tổng thư ký bỗng dưng bị bó hẹp vào khuôn khổ và gần như không được quyết định những vấn đề vĩ mô của bóng chuyền nước nhà, trong khi các ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch VFV thì có tên nhưng chẳng thấy chỉ đạo hay làm được việc gì cho ra hồn (!?).

Bóng chuyền Việt Nam vẫn đang phát triển trên một lộ trình… ảo, không thực sự nhìn thấy lối ra, ngoại trừ vài ý tưởng đã cũ và lỗi thời vẫn liên tục xuất hiện. Người làm được việc thì vẫn cứ ngồi nhìn và than thở, thậm chí chờ để được “cầm tay chỉ việc” từ người kém hơn mình về mọi mặt, từ tư duy chuyên môn cho đến uy tín đối với người trong giới.

Theo TTVN

Đọc thêm

Ronaldo - còn gì nữa?

Ronaldo - còn gì nữa?

Dù Ronaldo đã nỗ lực hết mình, ghi những bàn thắng đẹp mắt, những đóng góp cá nhân của anh vẫn chưa đủ để đưa Al-Nassr lên đỉnh vinh quang.
Tuchel đồng ý dẫn dắt tuyển Anh

Tuchel đồng ý dẫn dắt tuyển Anh

Lịch sử bóng đá Anh sắp được viết thêm một chương mới khi Thomas Tuchel chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển.
Tạm biệt, "nhà vua" Rafael Nadal

Tạm biệt, "nhà vua" Rafael Nadal

Một chương lịch sử của quần vợt thế giới khép lại. Rafael Nadal, "Vua đất nện" huyền thoại, chính thức nói lời chia tay với sự nghiệp chuyên nghiệp.