Bộ Quốc phòng Brazil mới đây đã tuyên bố mở quy trình đấu thầu bán thanh lý tàu sân bay Sao Paulo với mức giá bỏ thầu tối thiểu chỉ là 1,275 triệu USD, rẻ đến mức khó tin.
Tàu sân bay Sao Paulo (A12) được hải quân Brazil mua lại vào năm 2000 từ hải quân Pháp với giá 12 triệu USD dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Fernando Henrique Cardoso.
Hàng không mẫu hạm này vốn là chiếc Foch thuộc lớp Clemenceau của hải quân Pháp. Tàu được hạ thủy ngày 15/11/1957, chạy thử nghiệm ngày 23/7/1960, chính thức hoạt động ngày 15/7/1963, loại biên tháng 9/2000.
Con tàu là sự thay thế cho tàu sân bay Minas Gerais được mua từ Vương quốc Anh và hoạt động ở Brazil từ năm 1960 đến 2001, sau đó được bán làm phế liệu.
Khi còn hoạt động, Sao Paulo là tàu sân bay lâu đời nhất trên thế giới. Con tàu với lượng giãn nước đầy tải 32.800 tấn, chiều dài 265 mét này đã phục vụ trên các mặt trận châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Tuy nhiên trong thành phần hải quân Brazil, con tàu có một sự nghiệp phục vụ ngắn ngủi đi kèm khá nhiều rắc rối, được đánh dấu bằng một số vấn đề cơ học và tai nạn.
Do tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hoạt động, thời gian con tàu phải nằm cảng nhiều hơn là xuất bến. Chính vì vậy, bộ tư lệnh hải quân Brazil đã quyết định loại biên chiếc Sao Paulo.
Đáng nói là trước đó hải quân Brazil từng dự định hiện đại hóa hệ thống radar, hệ thống động lực, nâng cấp hệ thống phóng máy bay để kéo dài thời gian sử dụng con tàu đến năm 2025.
Theo số liệu từ hải quân Brazil, Sao Paulo đã hoạt động tổng cộng 206 ngày trên biển, hành trình qua 85.334 km và thực hiện 566 lần cất cánh cho máy bay phản lực bằng máy phóng hơi nước.
Chiến đấu cơ chủ lực hoạt động trên tàu là cường kích hải quân AF-1 (tên được Brazil đặt cho chiếc McDonnell Douglas A-4 Skyhawk), hiện các phi cơ này đang hoạt động từ căn cứ trên mặt đất.
Điều cần lưu ý là hải quân Brazil rao bán tàu sân bay Sao Paulo với đầy đủ thiết bị điện tử cũng như vũ khí đi kèm, bao gồm cả khẩu pháo 100 mm, bệ phóng tên lửa phòng không Crotale và Mistral nhưng không bán kèm máy bay.
Điều này có thể khiến cho con tàu chỉ được mua về để làm sắt vụn, không hiểu hải quân Brazil còn giữ những máy bay A-4 Skyhawk này làm gì khi chúng cũng sắp đến hạn loại biên.
Việc hải quân Brazil dự định cho nghỉ hưu một chiếc tàu sân bay đích thực có trang bị máy phóng theo đánh giá sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới Nga, khi có thông tin Moskva cũng đang cân nhắc hủy bỏ chương trình sửa chữa chiếc Đô đốc Kuznetsov.
Hiện tại trong nội bộ Brazil đang có nhiều tiếng nói vận động chính phủ nước này hãy chuyển đổi mục đích sử dụng tàu sân bay Sao Paulo thành bảo tàng nổi thay vì bán sắt vụn.
Hiện tại chưa có quyết định cuối cùng về số phận con tàu, kết quả cuộc đấu thầu sắp tới sẽ là căn cứ quan trọng nhất cho các bước đi tiếp theo.