Sắc đỏ bao trùm sàn giao dịch chứng khoán Malaysia ở Kuala Lumpur ngày 24/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo cơ quan trên, trong số các nền kinh tế châu Á thì Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.
Xuất khẩu của Singapore vào Anh chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn các nền kinh tế khác trong khu vực. Hong Kong và Singapore xuất khẩu chủ yếu là dịch vụ sang Anh trong khi Việt Nam chủ yếu là hàng hóa.
Các chuyên gia kinh tế thuộc Credit Suisse nhận định rằng các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa và chế biến xuất khẩu dễ bị tổn thương hơn cả.
Ở góc độ vĩ mô, tác động của Brexit đến các nền kinh tế châu Á có thể tăng gấp 2 hoặc 3 lần, trong đó Singapore và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do thị phần xuất khẩu của hai nước này vào thị trường EU chiếm từ 6 đến 7% GDP.
Các dòng vốn sẽ bị ảnh hưởng, nhưng điều này sẽ không khiến các ngân hàng trung ương châu Á thay đổi chính sách.
Các danh mục đầu tư ngắn hạn của Malaysia có thể sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt đối với trái phiếu và cổ phiếu, trong khi Indonesia có thể bị ảnh hưởng chủ yếu là trái phiếu, còn vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), chủ yếu là cổ phiếu.
Cũng theo các chuyên gia, các ngân hàng trung ương châu Á sẽ có những điều chỉnh về tỷ giá để thích nghi với sự thay đổi này.
Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (Bernama) ngày 24/6 đưa tin, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Malaysia Ong Ka Chuan cho biết hoạt động trao đổi thương mại của Malaysia sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU-Brexit)).
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Brexit sẽ có những tác động nhất định vào việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Malaysia với EU. Theo kế hoạch, đàm phán FTA Malaysia-EU sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối năm nay.