Giao dịch khí đốt giữa Nga với châu Âu dựa trên hàng nghìn km đường ống bắt đầu từ Siberia, kéo dài đến Đức và xa hơn nữa. Cho đến đầu năm ngoái, Moskva và phương Tây vẫn gắn kết chặt chẽ với nhau trong các hợp đồng giao dịch dài hạn.
Các tài sản quan trọng nhất của Gazprom nằm ở Tây Siberia và khu vực Yamal rộng lớn ở Bắc Cực. Một trong những mỏ khí đốt quan trọng nhất của Nga ở Tây Siberia là Urengoy, nằm cách thủ đô Moskva khoảng 3.500 km về phía đông bắc.
Hơi nước bốc lên từ một nhà máy lọc dầu ở Omsk, Nga. Ảnh: Reuters.
Đây là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Sau khi phát hiện ra mỏ này vào năm 1966, Liên Xô bắt đầu đàm phán với Tây Đức về việc đổi khí đốt lấy đường ống, vì Nga khi đó thiếu công nghệ sản xuất.
Thỏa thuận giữa đôi bên, được gọi là “hợp đồng thế kỷ”, cuối cùng hoàn tất vào năm 1970. Hợp đồng cung cấp khí đốt 20 năm có giá trị lên tới 30 tỷ USD theo giá hiện thời.
Điều này đồng nghĩa trong suốt nhiều thập kỷ, châu Âu và đặc biệt là Đức đã được hưởng lợi từ các hợp đồng khí đốt tự nhiên dài hạn, tương đối rẻ của Nga để sưởi ấm các hộ gia đình và làm nguyên liệu cho ngành hóa dầu.
Washington từ lâu đã chỉ trích chính sách của Đức khi phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga, điều mà cho đến trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Berlin vẫn giải thích rằng đây là một biện pháp nhằm cải thiện quan hệ.
Sau khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2 năm ngoái, các biện pháp trừng phạt quyết liệt từ phương Tây và việc Nga quyết định cắt nguồn cung cấp nhiên liệu cho châu Âu đã làm giảm mạnh xuất khẩu năng lượng của nước này.
Theo ước tính của hãng tin Reuters, dựa trên phí xuất khẩu và dữ liệu khối lượng xuất khẩu, doanh thu bán hàng ở nước ngoài của Gazprom vào khoảng 3,4 tỷ USD trong tháng một, giảm so với mức 6,3 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của công ty năm ngoái đã giảm gần một nửa, xuống mức thấp nhất thời hậu Liên Xô và xu hướng giảm vẫn tiếp tục trong năm nay.
Trước xung đột, Nga tự tin sẽ chỉ bán nhiều khí đốt hơn cho châu Âu. Elena Burmistrova, người đứng đầu ban phụ trách xuất khẩu của Gazprom, đã phát biểu tại Vienna, Áo, vào năm 2019, rằng mức xuất khẩu cao kỷ lục bên ngoài các nước Liên Xô cũ với hơn 200 tỷ m3 mà công ty đạt được trong năm 2018 là “một thực tế mới”. Tuy nhiên, vì tác động của chiến sự Ukraine, tổng lượng xuất khẩu năm ngoái chỉ đạt 100 tỷ m3.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ước tính Nga đã cắt giảm 80% nguồn cung cấp khí đốt cho EU trong 8 tháng sau khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine . Kết quả là Nga chỉ cung cấp khoảng 7,5% nhu cầu khí đốt của Tây Âu vào cuối năm ngoái, so với khoảng 40% hồi năm 2021.
Số liệu trên, kết hợp với dự báo về xuất khẩu và giá khí đốt trung bình, cho thấy doanh thu xuất khẩu của Gazprom sẽ giảm gần một nửa trong năm nay, làm tăng thâm hụt ngân sách hiện đứng ở mức 25 tỷ USD, theo dữ liệu Nga công bố tháng trước.
Năng lực vận chuyển của Moskva cũng bị suy giảm vào năm ngoái sau vụ nổ đường ống Nord Stream dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Nga và phương Tây vẫn đổ lỗi cho nhau về sự việc.
Tuy nhiên, các nhân viên trong ngành khí đốt của Nga cho biết công việc hiện tại vẫn diễn ra như bình thường. “Không có gì thay đổi, chúng tôi đã được tăng lương hai lần vào năm ngoái”, một quan chức Gazprom giấu tên đến từ Novy Urengoy cho hay. Thành phố Bắc Cực này được mệnh danh là “thủ đô khí đốt” của Nga vì nó được xây dựng để phục vụ các mỏ khí đốt lớn nhất nước.
Nhân viên Gazprom đứng trước một phần đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia tại trạm nén khí Atamanskaya, bên ngoài thị trấn viễn đông Svobodny, vùng Amur, Nga, hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Vladimir Putin từ lâu đã tìm cách đa dạng hóa thị trường khí đốt của Nga, nhưng chính sách này mới thực sự đạt được động lực từ năm ngoái. Hồi tháng 10, ông đã đưa ra ý tưởng về một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển hướng dòng khí đốt Nga khỏi biển Baltic và khu vực tây bắc châu Âu.
Nga đồng thời đang tìm cách tăng cường bán khí đốt qua đường ống cho Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và là bên mua dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng như than đá hàng đầu.
Khí đốt bắt đầu được vận chuyển qua đường ống Sức mạnh Siberia vào cuối năm 2019 và Nga đặt mục tiêu tăng xuất khẩu hàng năm lên khoảng 38 tỷ m3 từ năm 2025.
Moskva cũng có thỏa thuận khác cung cấp cho Bắc Kinh 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ một đường ống chưa được xây dựng bắt nguồn từ đảo Sakhalin ở Thái Bình Dương.
Cùng lúc, Nga còn đang phát triển các kế hoạch xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 từ Tây Siberia, theo lý thuyết có thể cung cấp thêm 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc.
Liệu mối quan hệ đó có thể sinh lợi như hàng thập kỷ Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Thách thức với Nga
Các nhà phân tích trong ngành cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga với Trung Quốc về việc bán khí đốt mới dự kiến rất phức tạp, nhất là bởi Bắc Kinh được cho là sẽ không cần thêm khí đốt cho đến sau năm 2030.
Nga cũng gặp nhiều cạnh tranh hơn trước đây từ năng lượng tái tạo khi thế giới tìm cách hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, cũng như nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống tới Trung Quốc từ các đối thủ, trong đó có Turkmenistan.
Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), có thể được vận chuyển đến bất kỳ đâu trên thế giới, sẽ làm giảm hơn nữa nhu cầu đối với khí đốt chảy qua đường ống truyền thống.
Gazprom và Trung Quốc vẫn giữ bí mật về giá khí đốt đã thỏa thuận. Nhưng theo Ron Smith, nhà phân tích tại công ty môi giới BCS, trụ sở tại Moskva, giá cho năm 2022 trung bình là 270 USD/1.000 m3, thấp hơn nhiều so với giá ở châu Âu.
Nó cũng thấp hơn giá xuất khẩu của Gazprom là 700 USD/1.000 m3, mà Bộ Kinh tế Nga dự kiến trong năm nay.
Năm ngoái, năng lực tài chính năng lượng của Nga được hỗ trợ đáng kể bởi giá tăng do thị trường lo ngại nguy cơ thiếu hụt. Ở châu Âu, giá khí đốt và giá dầu quốc tế đạt mức kỷ lục, tiến tới mốc cao nhất mọi thời đại, không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.
Một cơ sở trên hệ thống đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức, hồi tháng ba năm ngoái. Ảnh: Reuters .
Nhưng từ đó, giá dầu mỏ và khí đốt dần hạ nhiệt. Biện pháp áp giá trần dầu mỏ Nga xuất khẩu được cho là sẽ khiến nguồn doanh thu của Moskva chịu tổn thất nặng hơn nữa.
Trong khi đó, Điện Kremlin đã giao cho Gazprom nhiệm vụ khổng lồ là xây dựng 24.000 km đường ống mới để cung cấp khí đốt cho 538.000 hộ gia đình Nga từ năm 2021 đến 2025.
Giá khí đốt trong nước do chính phủ điều chỉnh và đang nhen nhóm các cuộc thảo luận về việc tự do hóa thị trường khí đốt ở Nga.
“Việc mất thị trường châu Âu là một phép thử rất nghiêm trọng đối với Nga trong lĩnh vực khí đốt”, cựu bộ trưởng năng lượng Nga Yury Shafranik bình luận.
Một cựu quản lý cấp cao tại tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom lại có thông điệp trực diện hơn. “Nỗ lực của hàng trăm người, những người đã xây dựng hệ thống xuất khẩu suốt nhiều thập kỷ, tất cả đã bị dội xuống bồn cầu”, người này nói với Reuters.