Chi tiêu quốc phòng
Theo báo cáo chính thức hàng năm của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 27/04/2020, năm 2019, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt 1.917 nghìn tỷ USD - tăng 3,6% so với năm trước và mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010. Theo SIPRI, Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới năm 2019, với 732 tỷ USD, chiếm 38% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Tiếp theo là Trung Quốc (261 tỷ USD - 14%), Ấn Độ (71,1 tỷ USD - 3,7%), Nga (65,1 tỷ USD - 3,4%) và Saudi Arabia (61,9 tỷ USD - 3,2%).
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Mỹ tăng chi tiêu cho quân sự trong khi trước đó, nước này có 7 năm liền giảm khoản chi này. Kinh phí quốc phòng Mỹ được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có việc trả lương cho khoảng 16.000 nhân viên quân sự bổ sung, cùng với hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, trang bị kỹ thuật… nhằm đối trọng với Trung Quốc - quốc gia đứng thứ 2 - sau Mỹ về chi tiêu quân sự. Theo một nghiên cứu viên cấp cao của SIPRI, tăng trưởng gần đây trong chi tiêu quân sự của Mỹ chủ yếu liên quan đến việc “tái nhận thức về cạnh tranh giữa các cường quốc”.
Quốc phòng ngốn một khoản kinh phí lớn của các nước; Nguồn: special-ops.org |
Năm quốc gia hàng đầu chiếm 62% tổng chi tiêu quân sự và 15 quốc gia hàng đầu đã chi tổng cộng 1.555 nghìn tỷ USD, tương ứng 81% chi tiêu quân sự toàn cầu. Tất cả quốc gia trong top 15 đều có chi phí quân sự năm 2019 cao hơn so với năm 2010, trừ ba ngoại lệ là Mỹ (giảm 15%), Anh (giảm 15%) và Ý (giảm 11%). Trong số 15 quốc gia có ngân sách quốc phòng cao nhất, có 6 nước là thành viên NATO - Canada, Pháp, Đức Italy, Anh và Mỹ. Chi tiêu quân sự của những nước này gộp lại chiếm 1/2 tổng chi tiêu quân sự của thế giới.
Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 cao hơn 7,2% so với năm 2010, cho thấy xu hướng tăng chi tiêu quân sự đã tăng tốc trong những năm gần đây. Sự gia tăng lớn hàng năm được ghi nhận đối với Trung Quốc (5,1%), Ấn Độ (6,8%), Nga (4,5%), Đức (10%) và Hàn Quốc (7,5%). Theo khu vực, chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng 5%, châu Á và Châu Đại Dương - 4,8%, châu Mỹ - 4,7% và châu Phi - 1,5%. Tổng cộng chi tiêu quân sự của 29 quốc gia thành viên NATO trong năm 2019 là 1,035 nghìn tỷ USD.
Tổng chi phí quân sự của 11 quốc gia ở Trung Đông giảm 7,5% xuống còn 147 tỷ USD, một phần do mức giảm giảm 16% của riêng Saudi Arabia - nước chi 61,9 tỷ USD trong năm 2019 (giảm 16% so với năm 2018) trong bối cảnh nước này gia tăng hoạt động quân sự tại Yemen cũng như căng thẳng giữa họ với Iran chưa giảm. Chi tiêu quân sự Nam Mỹ tương đối không thay đổi so với năm trước, đạt 52,8 tỷ USD. 51% của con số đó, tương đương 26,9 tỷ USD, là của Brazil.
Các quốc gia Đông Nam Á chi tổng cộng khoảng 41 tỷ USD cho quân sự trong khi chi phí tổng cộng của châu Phi tăng 1,5% lên mức 41,2 tỷ USD năm 2019 - lần đầu tiên khu vực này chứng kiến sự gia tăng chi tiêu trong năm năm. Đáng lưu ý là sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Burkina Faso (22%), Cameroon (1,4%), Mali (3,6%), Cộng hòa Trung Phi (8,7%), Cộng hòa Dân chủ Congo (16%) và Uganda (52%).
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng đột biến trong thập kỷ cuối; Nguồn: wikipedia.org |
Trong số 149 quốc gia mà SIPRI khảo sát, 10 quốc gia đã phân bổ 4% hoặc hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ cho quân sự - được gọi là “gánh nặng quân sự”. 13 quốc gia có gánh nặng quân sự từ 3-3,9%, 24 quốc gia có gánh nặng quân sự từ 2-2,9%, 65 quốc gia có gánh nặng quân sự từ 1-1,9%, và 34 quốc gia chi ít hơn 1% GDP cho quân đội. Ba quốc gia không có chi phí quân sự vào năm 2019 là Costa Rica, Iceland và Panama.
Theo thống kê của SIPRI, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 chiếm 2,2% GDP toàn cầu, tương đương 249 USD bình quân đầu người. Gánh nặng chi tiêu quân sự trung bình là 1,4% GDP đối với các quốc gia ở châu Mỹ, 1,6% đối với châu Phi, 1,7% đối với châu Á, châu Đại dương và châu Âu, 4,5% đối với các quốc gia Trung Đông.
Đáng chú ý, chi tiêu quốc phòng Đức tăng mạnh nhất - 10%, lên đến 49,3 tỷ USD - mức tăng cao nhất trong số 15 quốc gia đứng đầu về chi tiêu cho lĩnh vực này. Lý do việc gia tăng này được cho là vì sức ép từ chính quyền Tổng thống Trump, do tình hình địa chính trị ở châu Âu và bởi “Nga một lần nữa được coi là mối đe dọa ngày càng gia tăng”. Tuy nhiên, năm 2019, mức chi tiêu quân sự của Đức chỉ bằng 1,38%, chưa đạt tới 2% GDP theo yêu cầu của NATO, và dù tăng mạnh, Đức cũng chỉ đứng hàng thứ 7 thế giới, sau Pháp một bậc.
Mua sắm vũ khí
Riêng về vũ khí, theo SIPRI, 100 công ty quốc phòng hàng đầu chiếm 420 tỷ USD trong năm 2018, tăng 4,6% so với năm 2017 và tăng 47% so với năm 2002. Trong giai đoạn 2015-2019, các nhà nhập khẩu vũ khí chính là Saudi Arabia, Ấn Độ và Ai Cập. Tỷ lệ xuất khẩu vũ khí quân sự của Mỹ trong giai đoạn năm 2015-2019 tăng 23%, tương ứng với tỷ lệ xuất khẩu vũ khí toàn cầu tăng 36%. Trong giai đoạn 2015-2019, xuất khẩu vũ khí của Mỹ cao hơn 76% so với Nga - nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.
Mỹ là nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất và là “ông trùm” xuất khẩu vũ khí; Nguồn: theaviationgeekclub.com |
Các công ty Mỹ chiếm 59% doanh số bán vũ khí trong Top 100, chiếm vị trí số một trong số các công ty quốc phòng toàn cầu là Lockheed Martin, với 47,2 tỷ USD vào năm 2018, số hai là Boeing - 29,2 tỷ, số ba là Northrop Grumman - 26,2 tỷ, số bốn là Raytheon - 23,4 tỷ và số năm là General Dynamics với 22 tỷ. Ở vị trí thứ sáu là Công ty quốc phòng BAE của Anh, với 21 tỷ USD. Đại diện các quốc gia khác có tên trong danh sách này bao gồm Leonardo (Italy) với 9,8 tỷ, Thales (Pháp) với 9,4 tỷ, Rheinmetall (Đức) với 3,8 tỷ, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) với 3,6 tỷ và Elbit Systems (Israel) với 3,5 tỷ USD.
Đặc biệt, có 10 công ty Nga lọt vào Top 100, dẫn đầu là công ty thuộc sở hữu nhà nước Almaz-Antey - nhà sản xuất hệ thống phòng không và các vũ khí khác. Almaz-Antey xếp thứ chín trong danh sách với doanh số 9,6 tỷ USD. Tất cả các công ty Nga trong Top 100 đều thuộc sở hữu nhà nước và chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu trong nước. Năm 2016, Nga đã đưa ra sáng kiến khuyến khích doanh nghiệp quốc phòng đưa tỷ lệ sản xuất hàng dân sự trong tổng doanh số của các công ty vũ khí lên ít nhất 17% vào năm 2020 và 30% vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của sáng kiến này đối với các công ty vũ khí Nga.
Không gian mạng - môi trường mới của chiến tranh; Nguồn: virginiacyberalliancecareers.org |
Đáng chú ý, khác với báo cáo trước đó, lần này các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc không xuất hiện trong danh sách Top 100 nhà xuất khẩu vũ khí, mặc dù Trung Quốc bán sản phẩm của họ ra khắp thế giới, vì thiếu dữ liệu để đưa ra ước tính hợp lý hoặc thống nhất về doanh số bán vũ khí từ năm 2002. Tuy nhiên, SIPRI ước tính 3 công ty vũ khí của Trung Quốc sẽ được xếp hạng trong top 10 của 100 công ty sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu là AVIC, NORINCO và CETC. Dựa trên thông tin hạn chế có sẵn, tính đến xuất khẩu vũ khí và tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, ít nhất bảy công ty vũ khí khác có thể sẽ nằm trong Top 100 nếu có các số liệu đầy đủ.
Khu vực châu Á tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong 25 năm qua theo sát sự tăng trưởng về kinh tế nhanh chóng của nước này, phản ánh tham vọng của họ về một “quân đội đẳng cấp thế giới”, để cạnh tranh với Mỹ. Trung Quốc gia tăng chi tiêu quân sự đều đặn kể từ năm 1994 và tăng 85% kể từ năm 2010, mặc dù xét về tỷ lệ phần trăm theo GDP, khoản chi này hầu như luôn ở mức 1,9%. Năm 2019 là năm đầu tiên ghi nhận việc hai nước châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ) lọt vào bộ ba có chi tiêu quân sự cao nhất hành tinh, đẩy hai đại gia cố hữu là Nga và Saudi Arabia xuống hàng thứ tư và năm. Ngân sách quân sự của Bắc Kinh chiếm 14% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019, tăng hơn 5% so với năm 2018, đạt 261 tỷ USD.
Mức chi tiêu quân sự của Ấn Độ cũng gia tăng đáng kể vào năm 2019, tăng khoảng 7%, lên đến 71,1 tỷ USD do căng thẳng và cạnh tranh với cả Pakistan và Trung Quốc. Ấn Độ giờ đây càng có lý do để lo lắng Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương sau khi chứng kiến nước này lợi dụng đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để leo thang hành động khiêu khích ở biển Đông. The Times of India dẫn lời một số quan chức an ninh Ấn Độ giấu tên nhận định đại dịch không ngăn Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu chiến lược lâu dài ở khu vực.
Cuộc đua quân sự hóa không gian giữa các cường quốc đang được khởi động; Nguồn: wstale.com |
Chuyên gia Abhijit Singh (Ấn Độ) đã chỉ ra một số lý do khiến tình hình biển Đông cũng ảnh hưởng đến Ấn Độ. Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang nhằm vào một số nước có quan hệ chính trị và quân sự gần gũi với Ấn Độ; Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại phía Đông Ấn Độ Dương, nhất là sự hiện diện của tàu nghiên cứu và khảo sát nước này trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ cho thấy, Bắc Kinh không chỉ có tham vọng độc chiếm biển Đông mà còn muốn mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược sang Ấn Độ Dương, đe dọa đến ảnh hưởng của Ấn Độ. Theo chuyên gia của SIPRI, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc là một trong những yếu tố thúc đẩy New Delhi gia tăng chi tiêu quân sự.
Nhiều chính khách và chuyên gia chỉ trích việc Bắc Kinh đang lợi dụng lúc cộng đồng quốc tế bận rộn ứng phó đại dịch Covid-19 để mở rộng kiểm soát biển Đông. Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (trụ sở ở Mỹ) cho rằng, “điều gây sốc” là cường quốc quân sự Trung Quốc lại đang có hành động gây hấn với các nước láng giềng vào thời điểm các quốc gia này vật lộn với đại dịch. Bill Hayton - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh lo ngại Trung Quốc đang tìm cách viết lại luật pháp quốc tế thông qua các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông.
Theo một số chuyên gia, chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng đột biến trong thập kỷ cuối, nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược do hậu quả của đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế. Trước nguy cơ suy thoái toàn cầu, chính phủ các nước chắc chắn sẽ phải cân nhắc nhu cầu quân sự và các lĩnh vực khác như y tế và giáo dục - điều sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, theo chuyên gia của SIPRI, việc giảm ngân sách quốc phòng trong bối cảnh khủng hoảng cũng sẽ không kéo dài, có thể giảm từ một đến ba năm, rồi tăng lên trở lại những năm sau đó./.
Theo VOV