Xuất khẩu từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu Hà Tĩnh.
Gần như cả năm 2021, dịch COVID-19 tác động mạnh và gây khó khăn tới lĩnh vực xuất khẩu do nhu cầu tiêu thụ giảm, hoạt động vận chuyển chậm trễ, chi phí vận chuyển, thuê container tăng cao, công nhân cư trú thuộc vùng phong tỏa bị gián đoạn thời gian làm việc… Vậy nhưng, kim ngạch xuất khẩu Hà Tĩnh vẫn có sự bứt phá mạnh mẽ và tăng trưởng ấn tượng với kết quả 2,3 tỷ USD, đạt gần 191,7% kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 1,2 tỷ USD) và tăng 68,3% so với năm 2020.
Tiếp tục khẳng định “trụ cột” trong kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đóng góp đến 87%. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, DN đã siết chặt công tác phòng ngừa. Một số thời điểm, công ty linh hoạt thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, bố trí khu ký túc xá cho hơn 10.000 lao động của đơn vị và nhà thầu phụ để đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định.
Cùng đó, năm 2021, giá thép và nhu cầu sản phẩm này tăng cao đã tạo động lực cho FHS đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Nhờ vậy, trong năm 2021, sản lượng phôi thép của FHS đạt 6,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ năm 2021 đạt hơn 50 triệu USD.
Đứng sau sản phẩm thép trong “bảng xếp hạng” kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng là mặt hàng dăm gỗ với hơn 50 triệu USD.
Anh Lê Hữu Sơn - Trưởng phòng Kế toán, Công ty Trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy HANVIHA (Khu kinh tế Vũng Áng) cho biết: “Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, toàn thể cán bộ, nhân viên công ty đã thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng dịch và nỗ lực hơn trong sản xuất. Nhờ đó, công ty đã xuất khẩu 12 chuyến hàng đi Nhật Bản với sản lượng đạt hơn 121 nghìn tấn dăm gỗ khô; kim ngạch xuất khẩu đạt 14,38 triệu USD, đạt 118% kế hoạch năm và tăng hơn 30% so với năm 2020 (năm 2020 đạt 11,036 triệu USD)”.
Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech chủ yếu xuất khẩu mặt hàng quần áo đi Hàn Quốc và các nước châu Âu.
2021 cũng có thể xem là năm thắng lợi của lĩnh vực xơ - sợi - dệt và may xuất khẩu. Với lượng đơn hàng dồi dào, các doanh nghiệp sản xuất sợi, may mặc trên địa bàn đã khắc phục khó khăn để đảm bảo tiến độ giao hàng, tăng giá trị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Giang Nam - Trưởng phòng Tổ chức, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) chia sẻ: “Năm 2021, nhà máy phải dừng sản xuất 1 tuần do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, sau đó, DN hoạt động trở lại với công suất 50% trong khoảng 2 tuần. Ngoài ra, giá thuê container tăng cao, vận chuyển chậm… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của công ty. Tuy nhiên, bằng các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của đơn vị ước đạt hơn 15 triệu USD, đạt hơn 136% kế hoạch năm. Đáng mừng hơn là đến nay, công ty đã ký đơn hàng đến quý II/2022”.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh ước đạt hơn 15 triệu USD.
Góp sức vào thành quả hoạt động xuất khẩu trong năm vừa qua của các DN là sự đồng hành của các cấp, ngành. Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Tỉnh cũng như ngành chủ quản đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng chống dịch khi ban hành và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy mạnh sản xuất nói chung, hàng xuất khẩu nói riêng. Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm thị trường, thông thương hàng hóa, cải thiện môi trường đầu tư…”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 là 2 tỷ USD. Song, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mốc, là kết quả rất đáng tự hào. Đó cũng là “đòn bẩy” cho hoạt động xuất khẩu trong những năm tiếp theo. Mục tiêu thời gian tới trong lĩnh vực xuất khẩu là phát triển về cả số lượng, chất lượng và tính bền vững; đa dạng các mặt hàng, thị trường và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất mực sushi xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh.
Ông Võ Tá Nghĩa cho biết thêm, Sở Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đề án đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng các giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời, thu hút, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nông sản chế biến; hướng dẫn, hỗ trợ DN khai thác hiệu quả các lợi thế từ FTA (Hiệp định thương mại tự do) đã có hiệu lực, nhất là các sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang một số thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến thương mại, tối ưu chi phí logistics trong lưu thông hàng hóa…