Nghệ nhân phải có trách nhiệm truyền dạy, phục vụ cộng đồng (bà Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh)
Các loại hình di sản văn hóa dần bị mai một đang là thực trạng chung hiện nay. Các thế hệ nghệ nhân, người nắm giữ di sản thì tuổi càng cao, sức khỏe ngày càng yếu, trong khi thế hệ kế cận lại hẫng hụt, việc truyền dạy cực kỳ khó khăn. Do vậy, trách nhiệm của nghệ nhân trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa càng phải được phát huy.
Họ là những “bảo vật nhân văn sống”, đã được cộng đồng thừa nhận và tôn vinh. Họ sinh ra và nuôi dưỡng những tri thức dân gian từ đời sống của cộng đồng. Vì vậy, nghệ nhân cần nâng cao trách nhiệm trong truyền dạy, phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, nghệ nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giữ gìn và phát huy di sản, cần có cơ chế chính sách, môi trường phù hợp để họ phát huy.
Cần đội ngũ nhân lực có tâm, có tầm (ông Nguyễn Trí Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh)
Những năm gần đây, với những chính sách kịp thời của chính quyền và ngành chức năng, hệ thống di sản văn hóa vật thể trên địa bàn Hà Tĩnh đã được quan tâm bảo tồn. Việc xác định đối tượng bảo tồn được cơ quan chức năng làm khá tốt, tuy nhiên, sau khi xác định được đối tượng thì công tác trùng tu, phục dựng, cất giữ lại là vấn đề không hề đơn giản. Công tác này nếu không được tiến hành một cách khoa học bằng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tâm huyết thì không tránh khỏi những sai sót, thậm chí là hủy hoại di sản.
Việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch cũng là điều nên làm nhưng cần có quy hoạch chi tiết, cân nhắc các yếu tố tác động. Bảo tồn và phát triển di sản ngoài yếu tố khoa học, tâm linh còn phải phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử từng địa phương.
Làm tốt huy động xã hội hóa, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn di sản (ông Đặng Quang Vinh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX Hồng Lĩnh)
Nằm trên dãy núi Ngàn Hống, TX Hồng Lĩnh sở hữu khá nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể với 21 di tích được công nhận, hàng chục di tích đang được thống kê làm hồ sơ để xếp hạng. Phần lớn những di tích chưa được công nhận đều là phế tích, xuống cấp nghiêm trọng, cần được bảo vệ khẩn cấp. Việc kêu gọi xã hội hóa để nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo là rất cần thiết và thời gian qua, TX Hồng Lĩnh đã làm khá tốt công tác này.
Trong năm 2019, chúng tôi đã huy động được trên 10 tỷ đồng xây dựng, tôn tạo khu di tích Đại Hùng; 46 tỷ đồng làm đường đi lên khu di tích danh thắng Chùa Hang; gần 13 tỷ đồng trùng tu đền Cả đợt 3… Hiện nay, 6 CLB dân ca ví giặm, 1 CLB bảo tồn nghi lễ hầu đồng và hát chầu văn ngoài chính sách hỗ trợ của chính quyền còn được các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí hoạt động hàng năm. Chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền nâng cao hiểu biết, ý thức trong bảo tồn di sản, thực hành văn hóa cho người dân.
Thế hệ trẻ cũng phải có trách nhiệm bảo vệ di sản (chị Nguyễn Khánh Linh, phường Nam Hà - TP Hà Tĩnh)
Là người trẻ nhưng tôi rất quan tâm đến các di sản văn hóa truyền thống. Khi còn học phổ thông, trong các tiết học lịch sử, văn học, chúng tôi được biết đến các di sản văn hóa, nhưng để hiểu được đầy đủ giá trị của các di sản đó thì không phải dễ.
Cuộc sống hiện đại, không nhiều người trẻ theo đuổi niềm đam mê, có tâm huyết với việc nghiên cứu di sản văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, thế hệ trẻ cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản trong đời sống. Đó là việc không làm tổn hại đến các di tích văn hóa, lịch sử; nhắc nhở những người xung quanh có ý thức bảo vệ di sản. Đồng thời, lên án những hành động trộm cắp, phá hoại di sản.