Đến nay, gia đình ông Trần Văn Đài ở thôn 2 (xã Quang Thọ, Vũ Quang) vẫn chưa hết bàng hoàng khi đồi trồng cam của gia đình bất ngờ bị sạt lở do đợt mưa lớn vừa qua gây ra, lượng lớn đất đá vùi sát vào móng nhà.
Ông Đài cho biết: “Điểm sạt lở dài hơn 30m, khối lượng đất đá từ trên đồi đổ xuống ước tính hàng trăm m3. Do nằm sát nhà nên gia đình đã vội đưa tài sản đến nơi an toàn, cùng đó di chuyển đến nhà người thân để tránh trú, phòng khi mưa lớn kéo dài có thể khiến điểm sạt lở nghiêm trọng hơn”.
Cũng theo ông Đài, vì đây là diện tích đất đồi của gia đình nên ông sẽ thuê máy móc về san ủi để đảm bảo an toàn, mong chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống.
Cùng chung hoàn cảnh với ông Đài, gia đình ông Trần Văn Cương ở thôn 1 (xã Quang Thọ, Vũ Quang) cũng hết sức lo lắng bởi quả đồi nằm cạnh nhà bị sạt lở mạnh sau trận mưa lớn kéo dài vừa qua, khiến đất đá, cây cối vùi vào sát nhà.
Ông Cương cho hay: “Tình trạng sạt lở này xảy ra nhiều năm rồi. Tuy nhiên, những lần trước chỉ sạt lở một ít nên chưa có gì đáng lo; còn lần này nguyên mảng đồi lớn đổ xuống sát nhà, chúng tôi rất bất an. Lo là vậy nhưng cũng chẳng thể chuyển đi nơi khác sinh sống, vì đây là căn nhà chúng tôi tích cóp gây dựng lâu nay, hơn nữa kinh phí để xây nhà mới cũng rất tốn kém”.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn, gia đình ông Cương sẽ thuê máy móc về múc đất, san gạt đồi hạn chế tình trạng sạt lở. Cùng đó, khi mưa lớn sẽ di chuyển đến nhà người thân ở tạm để đảm bảo an toàn.
Ngoài gia đình ông Đài, ông Cương, trên địa bàn xã Quang Thọ hiện có hàng chục hộ dân sinh sống gần các quả đồi sản xuất có nguy cơ bị sạt lở. Vào mùa mưa, nhiều sườn đồi bị sạt lở, khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng nặng nề. Để đảm bảo an toàn, trước các đợt mưa lớn, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời người dân và tài sản.
Ngoài sạt lở đồi, người dân xã Quang Thọ còn “mất ăn, mất ngủ” bởi tình trạng sạt lở bờ sông Ngàn Trươi đoạn qua thôn 5 và thôn 6.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thoát ở thôn 5 (xã Quang Thọ) được xây dựng từ hơn 20 năm trước, khi ấy cách bờ sông khoảng hơn 10m. Qua thời gian, khu vườn đã bị dòng sông “ăn dần”. Nhằm giữ đất, gia đình ông đã nhiều lần mua thêm đất về san lấp nhưng biện pháp này chỉ là cách đối phó tạm thời, cứ sau mỗi trận lũ, lòng sông lại ăn sâu vào vườn nhà hơn.
“Chứng kiến ngôi nhà cấp bốn cùng công trình chăn nuôi nằm ở "miệng hà bá”, có thể bị “nuốt chửng” bất cứ lúc nào, gia đình tôi rất lo, nhất là mỗi khi có mưa lớn. Chúng tôi rất mong các cấp quan tâm, hỗ trợ xây dựng kè kiên cố để gia đình cũng như bà con sống dọc bờ sông bị sạt lở yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế” - ông Thoát chia sẻ.
Được biết, trên địa bàn xã Quang Thọ hiện có 10 điểm sạt lở và 50 điểm có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa lũ. Trong đó, có các điểm sạt lở nghiêm trọng như: bờ sông Ngàn Trươi đoạn qua thôn 5 và thôn 6 với chiều dài khoảng 150 m; vườn đồi tại các hộ dân... Tất cả các điểm này đều nằm gần nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bà con.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết: “Vào các đợt mưa lũ, chính quyền địa phương đều lên phương án di dời dân để đảm bảo an toàn và bố trí lực lượng túc trực ứng phó kịp thời. Về lâu dài, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục các điểm sạt lở dọc bờ sông Ngàn Trươi để bà con vơi bớt nỗi lo. Bởi, đây là những vị trí sạt lở nghiêm trọng. Còn đối với các điểm sạt lở đồi, địa phương sẽ hỗ trợ bà con khắc phục để sớm ổn định cuộc sống".