Bảng tỷ giá đồng ruble so với các đồng ngoại tệ tại thủ đô Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phân tích trên cho biết, phần lớn thiệt hại (82%) liên quan đến các loại hàng hóa không thuộc danh mục bị Nga cấm vận. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chiếm 2/3 mức thiệt hại (khoảng 77%).
Trước khủng hoảng, 2,3% xuất khẩu của các nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt là sang Liên bang Nga, trong khi 63,8% xuất khẩu của Nga là sang các nước này.
Khi quan hệ của các nước với Nga xấu đi (tháng 2-7/2014), xuất khẩu giảm trung bình 14,6%, trong đó của EU giảm 13,8% và khi các biện pháp trừng phạt chính thức được áp đặt (tháng 8/2014), mức giảm trung bình là 12,4%, trong đó của EU là 24,9%. Xuất khẩu các loại hàng hóa bị cấm từ tháng 8/2014 giảm 90%.
Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, trong sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu từ EU sang “xứ sở Bạch Dương” giảm 6,1% và của cả năm giảm 11,7%.
Mức giảm trong năm 2015 lên tới 40,2%. Quy ra tiền, xuất khẩu từ EU sang thị trường Nga trong hai năm 2014 và năm 2015 giảm tới 64 tỷ USD.
Ngoài ra, các biện pháp “trả đũa” của Nga cũng khiến ngành nông nghiệp nhiều nước châu Âu rơi vào tình cảnh điêu đứng.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống cấp nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine hồi tháng 3/2014.
EU đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với khoảng 150 cá nhân và gần 40 thực thể mà khối này cho là “có vai trò liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.”
Bên cạnh đó, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga. Đáp lại, Nga cũng đã cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU.
Mới đây nhất, ngày 29/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh gia hạn lệnh cấm nhập khẩu các loại lương thực - thực phẩm từ các nước phương Tây tới cuối năm 2017./.