Ngân hàng Trung ương Afghanistan ở thủ đô Kabul. (Ảnh: DW/TTXVN)
Trong tuyên bố của mình, người đứng đầu tổ chức từ thiện Hội đồng tị nạn Na Uy (NRC) Jan Egeland, cựu giám đốc cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc từ năm 2003-2006, cho rằng Mỹ cần đưa ra khuyến khích cụ thể bằng văn bản để thuyết phục các ngân hàng chuyển tiền đến Afghanistan thông qua Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ, nhằm cứu sống hàng triệu người đang gặp khó khăn ở quốc gia Tây Nam Á này.
Cộng đồng quốc tế thời gian qua đã nỗ lực tìm cách ngăn chặn thảm họa nhân đạo xảy ra tại Afghanistan. Sau khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền hồi giữa tháng Tám năm ngoái tại Afghanistan, Mỹ đã đóng băng số tài sản trị giá 9,5 tỷ USD của Ngân hàng trung ương Afghanistan, khiến nền kinh tế càng lún sâu vào khủng hoảng nghiệm trọng.
Liên Hợp Quốc và các nhóm cứu trợ đang đấu tranh để có đủ tài chính nhằm tài trợ cho các hoạt động nhân đạo và phát triển ở quốc gia này. Tại Afghanistan, hàng triệu người đang phải chịu cảnh đói khổ cùng cực và nền kinh tế, giáo dục cũng như các dịch vụ xã hội đang trên bờ vực sụp đổ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 13/1 đã lên tiếng kêu gọi tạm ngừng những quy định hiện đang cản trở việc sử dụng tiền để cứu trợ người dân và nền kinh tế Afghanistan, tiến tới ngừng phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Afghanitan một cách có điều kiện.
Ông Guterres cho rằng nguồn ngân sách quốc tế cần được sử dụng để trả lương cho công chức, viên chức ở Afghanistan và giúp các cơ quan của nước này cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục cũng như các dịch vụ thiết yếu khác.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng hỗ trợ để tránh nguy cơ nền kinh tế Afghanistan sụp đổ hoàn toàn và dẫn tới thảm cảnh đói nghèo đối với hàng triệu người dân ở nước này.
Trước đó, ngày 11/1, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho Afghanistan khoảng 4,4 tỷ USD.