Ghi nhận trong buổi sáng 16/9 (tức 14/8 âm lịch), các quầy hàng bán bánh trung thu tại TP Hà Tĩnh đều khá vắng khách, không có cảnh người mua đông đúc, nhộn nhịp như những năm trước.
Anh Trần Xuân Tiệp – giám sát bán hàng hãng bánh Kinh Đô tại Hà Tĩnh cho hay: "Ngoài phân phối cho các đại lý, siêu thị, năm nay, Kinh Đô có 6 quầy bánh trung thu tại Hà Tĩnh với tổng tiền hàng khoảng 7,5 tỷ đồng (tăng 5% so với năm ngoái), trong đó khu vực TP Hà Tĩnh gần 4,8 tỷ đồng. Do ảnh hưởng bão số 3 ở phía Bắc, hầu hết các đơn vị tại Hà Tĩnh ngừng hoạt động vui chơi trung thu hoặc giảm quy mô để chia sẻ cùng đồng bào nên sức tiêu thụ bánh giảm so với năm trước. Trong sáng nay, dù là ngày chính lễ nhưng lượng khách đến mua khá vắng. Tính đến gần trưa 14/8 âm lịch, lượng bánh đã bán đạt hơn 80%. Quầy mở bán đến hết ngày 15/8 âm lịch, hi vọng sẽ tiêu thụ hết lượng hàng còn lại”.
Chọn mua bánh vào sáng 14/8 âm lịch, bà Nguyễn Thị Thuyết (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi mua 3 chiếc bánh dẻo để về tặng cho các cháu ngày tết Trung thu. Hôm nay là gần "cuối vụ" rồi nhưng thấy bánh vẫn còn khá nhiều, dễ lựa chọn hương vị”.
Ghi nhận tại quầy bánh Bảo Ngọc trên đường Trần Phú (TP Hà Tĩnh), lượng khách tới mua hàng trong sáng ngày chính lễ cũng chỉ lác đác. Bà Trần Thị Thu Tình – nhà phân phối Nhân Tình (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mùa trung thu năm nay, chúng tôi có 1 quầy lưu động bán bánh Bảo Ngọc, ngoài ra còn phân phối bánh cho các cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh. Những năm trước, chúng tôi đều vượt chỉ tiêu đặt ra nhưng năm nay chỉ ở mức vừa đạt. Tuy lượng bánh tại quầy hiện không còn quá nhiều nhưng sản lượng mùa trung thu 2024 chỉ đạt khoảng 60% năm trước. Sức mua trong những ngày chính lễ cũng giảm hẳn, mỗi người mua 1 - 2 chiếc hoặc 1 – 2 hộp bánh, không nhộn nhịp, đông khách như các năm trước”.
Theo bà Tình, năm nay, khi các đơn vị, doanh nghiệp báo hủy đặt bánh do mưa lũ ở miền Bắc nên không tổ chức lễ trung thu, nhà phân phối đã kịp thời thông báo với hãng để ngừng đơn hàng. Nhờ đó, lượng bánh tồn đọng đến nay cũng không còn nhiều.
Các tiểu thương kinh doanh bánh các hãng khác cũng cho rằng, năm nay, do sắp vào đợt chính vụ kinh doanh mùa Trung thu, mưa lũ xảy ra gây thiệt hại nặng nề ở miền Bắc, các hoạt động được tiết giảm hoặc dừng tổ chức nên sức mua các hàng hóa phục vụ sự kiện này cũng giảm theo, trong đó có mặt hàng bánh.
Anh Hoàng Kim Nga – giám sát bán hàng hãng bánh Omeli tại Hà Tĩnh cho biết: “Hãng Omeli dựng 2 quầy bánh (TP Hà Tĩnh và Đức Thọ) với tổng giá trị tiền hàng khoảng gần 1 tỷ đồng. Bắt đầu bán từ trước rằm tháng Bảy, bánh Omeli cũng được khá nhiều khách hàng lựa chọn. Ngoài bánh lẻ thì những hộp bánh có giá tầm trung 200 – 300 ngàn đồng được khách chọn mua nhiều hơn là những hộp cao cấp. Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, lượng khách có tăng hơn những ngày trước đó, nhưng nhìn chung năm nay sức mua giảm nhiều so với các năm”.
Theo bà Bùi Thị Tuyết – Giám đốc Công ty CP Thương mại Xuân Tình (Thạch Hà) – đơn vị phân phối bánh trung thu Hữu Nghị: “Ảnh hưởng của bão, lũ nên lượng khách giảm mạnh so với mọi năm do nhiều đơn vị không tổ chức hoạt động trung thu và dồn nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào miền Bắc. Năm nay, chúng tôi chủ yếu bán cho khách lẻ và các doanh nghiệp làm quà tặng, còn một số đơn vị đặt hàng tổ chức chương trình thì phải hủy. Dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, hãng sản xuất và nhà phân phối đều chịu thiệt hại nhưng chúng tôi rất chia sẻ với đồng bào miền Bắc, mong bà con vượt qua giai đoạn khó khăn để sớm tái thiết cuộc sống”.
Theo các tiểu thương kinh doanh bánh trung thu, trong ngày hôm nay và ngày mai (17/9) phải rà soát lượng bánh tại các đại lý, tạp hóa và quầy lưu động để chuyển từ điểm bán chậm sang những quầy “chạy hàng” với hi vọng tiêu thụ số lượng cao nhất có thể.