Những ngày qua, trước tình hình mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường, sân trường bị ngập, một số trường học ở thành phố Hà Tĩnh đã linh hoạt cho học sinh (HS) dừng đến trường; hoạt động dạy học được chuyển sang hình thức trực tuyến.
Học sinh nghỉ học nhưng giáo viên Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) vẫn đến trường thực hiện hình thức dạy học trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Tâm Tư - Hiệu Trưởng Trường THCS Lê Bình (TP Hà Tĩnh) cho biết: 4h30 phút sáng 16/10, qua hệ thống camera thấy sân trường ngập nước, tôi lập tức thông báo cho các giáo viên về việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến để đảm bảo an toàn cho các em. Dù vắng bóng HS nhưng trong mỗi lớp học, thầy cô giáo vẫn duy trì việc lên lớp, vẫn hăng say với từng bài giảng qua màn hình máy tính. Nhờ đó, HS vẫn có thể tiếp cận được kiến thức của bài học.
“Chúng tôi đã quen với việc thay đổi hình thức dạy học. HS không đến trường nhưng tất cả giáo viên vẫn theo thời khóa biểu, lên lớp bình thường. Với việc vận dụng phương pháp dạy học mới, phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS, tăng cường sự tương tác giữa thầy và trò, không khí hào hứng vẫn được duy trì trong mỗi giờ học”, thầy Nguyễn Huy Sơn - giáo viên Trường THCS Lê Bình chia sẻ.
Học sinh vẫn tiếp thu được kiến thức cơ bản qua từng bài giảng.
Tại xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh), kể từ khi thiết lập vùng cách ly y tế thôn Phú Long do có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (ngày 12/10), 272 HS của Trường Tiểu học Kỳ Phú, THCS Kỳ Phú trong địa bàn thôn không thể đến trường. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và duy trì việc học cho các em, ban giám hiệu 2 trường đã chuyển hình thức dạy học trực tuyến cho HS F2 và các HS nằm trong vùng phong tỏa.
Giáo viên Trường THCS Kỳ Phú duy trì song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Thầy Nguyễn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Phú cho biết: “Khi thôn Phú Long bị phong tỏa, HS, phụ huynh trên địa bàn rất hoang mang, lo lắng. Để trấn an tinh thần cho các em và quyết tâm không để HS vùng cách ly bị bỏ lại phía sau, chúng tôi đã triển khai song song phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến trong mỗi tiết học. Với những HS chưa có phương tiện học tập, giáo viên sẽ giao bài tập cho các em qua nhóm zalo, facebook của phụ huynh hoặc qua 2 giáo viên trong vùng cách ly”.
Để thực hiện cùng lúc 2 hình thức dạy học, các trường đã lắp đặt thêm mạng internet, camera ở mỗi lớp nhằm giúp các giáo viên vừa duy trì việc dạy trực tiếp cho các học sinh ở trường, vừa dạy trực tuyến cho những học sinh vùng cách ly. Giáo viên cũng phải nỗ lực gấp đôi để chuyển tải kiến thức một cách hiệu quả nhất đến HS.
Giờ dạy của cô Minh Phương giáo viên Trường THCS Kỳ Phú.
Cô Hoàng Thị Minh Phương - giáo viên Trường THCS Kỳ Phú thông tin: “Việc tương tác với HS vùng dịch rất khó khăn vì nếu bật micro sẽ ồn ào, ảnh hưởng đến các bạn học trực tiếp. Để khắc phục tình trạng này, trường đã tăng cường thêm 1 giáo viên để hỗ trợ giáo viên bộ môn trong việc đọc tin nhắn tương tác của các em, điều chỉnh góc máy để các em xem bài giảng được rõ ràng. Thời tiết xấu, đường truyền nhiều lúc không ổn định nên chúng tôi phải phát wifi từ máy cá nhân và tranh thủ thêm giờ ra chơi để hệ thống lại kiến thức cho học sinh”.
Từ sự quan tâm của nhà trường, tâm huyết của giáo viên, HS ở vùng cách ly cũng đã khắc phục khó khăn để tiếp cận kiến thức bài học.
Em Trần Công Thành - lớp 6C Trường THCS Kỳ Phú vẫn duy trì việc học trong những ngày địa bàn thực hiện cách ly y tế.
Qua điện thoại, em Trần Công Thành - học sinh lớp 6C Trường THCS Kỳ Phú chia sẻ: “Tuy phải học trực tuyến nhưng các thầy cô giáo tạo điều kiện cho chúng em tương tác nhiều nên em cũng dễ dàng nắm được kiến thức cơ bản của bài học”.
Tại Trường Tiểu học Kỳ Phú, 145 học sinh trong vùng cách ly y tế cũng đang được duy trì việc học trực tuyến với sự hỗ trợ của các phụ huynh. “Trong thời gian HS cách ly y tế, chúng tôi sẽ trển khai dạy học trực tuyến cho các em. Sau khi học sinh trở lại, chúng tôi sẽ hệ thống lại kiến thức để bù đắp cho các em những phần thiếu hụt”, thầy Trần Nguyên Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Phú thông tin.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các trường học ở Hà Tĩnh đã bắt đầu làm quen với hình thức dạy học trực tuyến. Việc đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất đã là điều kiện thuận lợi để các trường linh hoạt hình thức dạy học phù hợp.
Thực hiện phương châm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng chương trình, linh hoạt kế hoạch, hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, tất cả các trường trên toàn tỉnh đã thực hiện tốt vấn đề này. Sắp tới, sở sẽ tập huấn thêm cho đội ngũ giáo viên các trường một số kỹ năng để nâng cao cất lượng dạy học trực tuyến.