Khi ông Donald Trump còn làm Tổng thống Mỹ, ông tiếp cận quốc gia Đông Bắc Á bằng các cuộc khẩu chiến và tiếp xúc trực tiếp. Ông nhiều lần lên án chủ trương “Kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Barack Obama.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA |
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, Tổng thống Trump tuyên bố người tiền nhiệm đã để ông rơi vào một vị trí khó khăn trước Bình Nhưỡng. Ông quyết định thực hiện “Cuộc mặc cả lớn” thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa đổi lấy hỗ trợ an ninh và hội nhập kinh tế.
“Ngoại giao hội nghị” diễn ra thông qua các cuộc gặp lịch sử và ông Kim Jong Un trở thành là lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên gặp gỡ một Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Tuy nhiên, hai bên cũng không tiến thêm được bước nào.
Ông Trump còn gây sức ép với Triều Tiên bằng những ngôn từ rất gay gắt, chẳng hạn cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu “lửa và cơn cuồng nộ”, và đe dọa tấn công quân sự nếu Triều Tiên gây nguy hiểm cho Mỹ.
Theo trang Modern Diplomacy, khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, ông đã yêu cầu đánh giá lại chính sách Triều Tiên, và Nhà Trắng đưa ra ý kiến thông qua các tuyên bố công khai.
Tại một phiên họp của Quốc hội sau 100 ngày tại vị, ông Biden tuyên bố các chính sách của ông đối với Triều Tiên sẽ có sự kết hợp giữa ngoại giao và răn đe nghiêm khắc. Sau đó, Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki ra một tuyên bố, đề cập “Cách tiếp cận thực tế được điều chỉnh” của ông Biden nằm giữa chính sách “Kiên nhẫn chiến lược” của ông Obama và và “Cuộc mặc cả lớn” của ông Trump.
Modern Diplomacy nhận định, điều này báo hiệu Washington sẽ can dự nhiều hơn với Triều Tiên và ông Biden dường như cũng muốn có các cuộc hội đàm trực tiếp để tìm lối thoát cho phi hạt nhân hóa.
Quan trọng là, cách tiếp cận thực tế của Tổng thống Biden khác với ông Trump vì nó hàm ý nhiều phản ứng đối với hành động của Bình Nhưỡng. Có thể là Mỹ sẽ hỗ trợ nếu Triều Tiên thực sự phi hạt nhân hóa. Còn nếu vẫn thử nghiệm hạt nhân, nước này sẽ phải hứng chịu trừng phạt nghiêm khắc.
“Mỹ sẽ không chú ý đến những gì Triều Tiên nói mà là những gì họ làm”, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tuyên bố rõ như vậy, ám chỉ hành động sẽ đáp lại hành động.
Khía cạnh thứ hai và quan trọng nhất là lời kêu gọi của ông Biden về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhiều lần nhưng không đạt kết quả về giải trừ hạt nhân. Ảnh: Reuters |
Tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng hồi tháng 5 vừa qua, ông Biden nói với báo chí rằng Mỹ và Hàn Quốc sẵn sàng tham gia ngoại giao với Triều Tiên vì mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố này khác với mục tiêu của chính quyền ông Trump là chỉ phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Do vậy, giới phân tích tin rằng, tuyên bố này có thể ám chỉ việc giảm bớt quan hệ Mỹ - Hàn và là dấu hiệu cho thấy Mỹ có ý định rút quân khỏi Hàn Quốc.
Tuy nhiên, một phân tích khác lại nhấn mạnh, vì đây là lời kêu gọi phi hạt nhân hóa toàn bộ Bán đảo Triều Tiên nên Bình Nhưỡng sẽ phi hạt nhân hóa khi Seoul làm như vậy. Nhưng hiện tại, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, nước này hiện có chiếc ô an ninh của Mỹ với khoảng 28.500 binh sĩ đang đóng quân.
Xét về lợi ích ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington sẽ không bao giờ để lại khoảng trống cho bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong khu vực bằng cách rút quân đội khỏi Hàn Quốc. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu rõ cụm từ “phi hạt nhân hóa”. Việc kêu gọi phi hạt nhân hóa có thể chỉ nhằm mục đích làm cho ông Kim hài lòng và đưa ông trở lại bàn đàm phán.
Chủ tịch Kim Jong Un đáp lại bằng cách tuyên bố rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nếu theo đuổi một cách tiếp cận như vậy. Coi các chính sách của Mỹ là thù địch, nhà lãnh đạo Triều Tiên mô tả nó là một sai lầm hoàn toàn và kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.
Có thể thấy, sự kình địch vẫn rất khốc liệt và sẽ tiếp tục như vậy theo thời gian, theo Modern Diplomacy.