Nhận được thông báo của gia đình, tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ, anh Đậu Văn Hưng (xã Cẩm Hưng, đang làm việc cho 1 doanh nghiệp ở Hà Nội) lên xe về quê để kê khai, cung cấp thông tin làm tàng thư hộ khẩu.
“Dù có thể gián tiếp cung cấp thông tin, gửi các tài liệu nhân thân nhưng tôi vẫn cố về để cung cấp một cách chính xác nhất bởi tàng thư hộ khẩu là thông tin cá nhân theo suốt cả cuộc đời mình. Nhiều khi chỉ vì một sơ suất nhỏ dễ dẫn đến những hậu quả pháp lý lớn. Hơn nữa, nếu gửi về sợ xảy ra thất lạc giấy tờ tùy thân nên trực tiếp cầm về cho chắc” - anh Hưng chia sẻ.
Người dân thôn Hưng Nam (xã Cẩm Hưng) thực hiện việc kê khai hồ sơ quản lý cư trú.
Cũng như anh Đậu Văn Hưng, trong những ngày qua, người dân xã Cẩm Hưng đang tích cực thực hiện việc kê khai nhân khẩu, hộ khẩu. Tại hội quán thôn xóm, người dân ghi chép thông tin vào các biểu mẫu, đối chiếu hồ sơ và cung cấp thông tin, các giấy tờ liên quan.
“Mướt mồ hôi” hướng dẫn bà con kê khai tàng thư cư trú, Thượng úy Đậu Văn Thắng - Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Cẩm Xuyên - phụ trách địa bàn xã Cẩm Hưng cho biết: “Nhờ các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên người dân chấp hành việc cung cấp thông tin, kê khai biểu mẫu rất nghiêm túc. Đây là dịp để các hộ dân “đối soát” lại các giấy tờ tùy thân với tài liệu cấp xã quản lý, đồng thời, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở cũng xây dựng tàng thư hộ khẩu hoàn chỉnh để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn”.
Theo kết quả rà soát, huyện Cẩm Xuyên hiện có 45.000 hộ, 160.000 nhân khẩu, trong đó có 120.136 nhân khẩu từ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, số công dân Cẩm Xuyên đi khỏi địa phương làm ăn sinh sống và công dân từ các địa phương khác đến học tập, lao động trên địa bàn biến động lớn, khó kiểm soát chính xác. Trước thực tế đó, UBND huyện Cẩm Xuyên đã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cư trú”. Mục tiêu của hoạt động này nhằm đảm bảo 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và nhân dân trên địa bàn phải thực hiện kê khai đăng ký về nhân khẩu, hộ khẩu để lưu trữ.
Hiện tại, Công an huyện đang chủ trì thực hiện việc thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ tàng thư tại 4 xã Cẩm Bình, Cẩm Hưng, Cẩm Hà và Cẩm Nam. Sau 4 xã này, Công an huyện sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện tốt hơn ở các xã, thị trấn tiếp theo. Hình thức triển khai được thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu” nhằm huy động tối đa nhân, vật lực; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng nhất cho bà con nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, Cẩm Xuyên sẽ hoàn thành việc xây dựng hồ sơ tàng thư cư trú tại các xã, thị trấn. Bắt đầu từ năm 2018, các dữ liệu sẽ được nhập vào hệ thống phần mềm về tàng thư quản lý cư trú của toàn huyện và được lưu trữ, quản lý, bổ sung, khai thác sử dụng theo đúng quy định. Đây chính là “nguồn” cơ bản nhất để tiến tới xây dựng kho dữ liệu quốc gia về dân cư theo Luật Cư trú năm 2013.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Trung tá Hoàng Trung Thông - Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Con người là chủ thể của tất cả các mối quan hệ xã hội. Vì thế, quản lý con người là cái gốc của mọi quản lý xã hội. Thực hiện việc đăng ký, quản lý cư trú bằng phần mềm tàng thư cư trú sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc thống kê, tra cứu hộ khẩu một cách nhanh chóng, kịp thời. Qua đó sẽ tạo điều kiện cho các cấp, ngành thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực liên quan”.