Thủ tướng Campuchia Hun Sen trên đường ra sân bay ngày 29-11 trước khi bay sang Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Hôm nay (30-11), hãng tin Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Campuchia đã thu hồi hộ chiếu ngoại giao của 56 thành viên đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) vừa bị xóa sổ.
Quyết định được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tòa án Tối cao Campuchia ra lệnh giải thể đảng này.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Huy Vannak, một người được cho là thân cận với Thủ tướng Hun Sen, cho biết: "Về mặt luật pháp, giờ họ chỉ là những công dân bình thường, họ không còn là quan chức đặc biệt để được sở hữu hộ chiếu ngoại giao nữa. Vậy nên họ chỉ có thể sử dụng hộ chiếu phổ thông thôi".
Động thái trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Hun Sen cảnh báo các cựu thành viên của CNRP đã bỏ trốn sang Thái Lan có thể sẽ bị đưa về Campuchia. Tuy nhiên người phát ngôn của chính quyền Phnom Penh là ông Phay Siphan nói với hãng tin Reuters rằng ông không rõ liệu có nỗ lực nào đưa các cựu chính trị gia đối lập đó từ Thái Lan về Campuchia hay không.
Ngay trước khi đảng CNRP bị tuyên bố giải thể, có thông tin nhiều thành viên cấp cao của đảng này đã rời Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cũng đã có lời kêu gọi mang tính "khoan hồng" cho phép các chính trị gia và đảng viên của CNRP bỏ đảng sang gia nhập đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.
Tòa nhà trụ sở của đảng CNRP đối lập ở thủ đô Phnom Penh trong ảnh chụp ngày 17-11 - Ảnh: REUTERS
Hôm 16-11, Tòa án Tối cao Campuchia đã ra lệnh giải thể đảng CNRP, sau khi Bộ Nội vụ nước này khẳng định đảng của Kem Sokha và Sam Rainsy đã âm mưu cùng một quốc gia nước ngoài lật đổ chính phủ (trước đó Thủ tướng Hun Sen từng có lúc nói thẳng "nước ngoài" đó là Mỹ).
Tòa án cũng ra phán quyết cấm hoạt động chính trị trong 5 năm đối với 118 thành viên cấp cao của đảng này. Chủ tịch đảng CNRP, ông Kem Sokha đã bị bắt giữ hồi tháng 9 vì tội phản quốc và làm "gián điệp" cho nước ngoài.
Sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Quốc hội Campuchia cũng đã xóa tên 55 nghị sĩ của đảng CNRP vừa bị giải thể.
Hôm 21-11, Tổng thư ký Quốc hội Campuchia, ông Leng Peng Long cho biết các tài xế, trợ lý, thư ký riêng của các nghị sĩ này, gồm hơn 100 người cũng bị xóa tên, đồng thời Quốc hội cũng thu hồi toàn bộ các tài sản công như xe hơi, máy tính và các thiết bị văn phòng khác đã cấp cho số nghị sĩ trên và không trả lương cho toàn bộ số người này kể từ tháng 11-2017.
Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) cũng đã chia số ghế của CNRP tại Quốc hội và Hội đồng xã - phường cho các đảng khác đã tham gia tranh cử vào cơ quan này trước đó.
Hôm 27-11 vừa qua, 44 nghị sĩ thuộc các đảng phái ở Campuchia chỉ nhận dưới 5% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013 đã nhận ghế thay thế các đại diện của đảng CNRP bị giải tán. Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC tiếp nhận nhiều nhất trong số đó (41 ghế) và đây là đảng đã đệ đơn lên tòa án đòi giải tán CNRP.
Biển hiệu quảng bá của đảng CNRP đối lập trên đường phố ở tỉnh Battambang của Campuchia trong ảnh chụp ngày 11-10 - Ảnh: REUTERS
Chính quyền các địa phương trên toàn quốc Campuchia cũng đang tiến hành tháo dỡ các bảng hiệu của CNRP và tiếp nhận các trụ sở, tài sản của Hội đồng xã-phường do các thành viên CNRP nắm giữ.
Theo ghi nhận của TTXVN, nhìn chung, việc thi hành án giải thể CNRP đang được tiến hành khẩn trương tại Campuchia và chưa gặp bất kỳ sự chống đối nào.