Sáng 15/1/2014, tại Quân cảng Lữ đoàn Tàu ngầm 189, Căn cứ Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ tiếp nhận tàu ngầm HQ-182 Hà Nội. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Sự kiện tiếp nhận và chính thức đưa chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên, số hiệu HQ 182 - Chiếc tàu ngầm vinh dự được mang tên Thủ đô Hà Nội vào biên chế của Lữ đoàn 189 Hải quân là thành công bước đầu rất quan trọng trong lộ trình xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Chiều 22/3/2014, chiếc tàu ngầm thứ 2 của Hải quân Việt Nam - tàu ngầm Kilo HQ - 183 mang tên TP Hồ Chí Minh đã vào quân cảng Lữ đoàn 189, vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa an toàn.
Tàu ngầm TP Hồ Chí Minh được tàu Rolldock Star chở về, neo đậu tại Vịnh Cam Ranh đang chờ để hạ thủy đưa vào cảng.
Nước được bơm vào tàu Rolldock Star để đưa tàu ngầm TP Hồ Chí Minh ra.
2 tàu kéo của Tổng công ty Tân Cảng kéo tàu ngầm TP Hồ Chí Minh trên vịnh Cam Ranh.
Sáng 3/4/2014, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ thượng cờ cấp quốc gia trên tàu ngầm HQ -182 Hà Nội và HQ -183 Thành phố Hồ Chí Minh tại Quân cảng Cam Ranh. (Ảnh: Dân Trí)
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam có nhiệm vụ tìm kiếm, bí mật theo dõi và tấn công tiêu diệt tàu ngầm của đối phương, đảm nhận trách nhiệm chống ngầm bảo vệ lực lượng hải quân của ta; trinh sát, bám nắm và tiêu diệt các cụm tàu nổi (hàng không mẫu hạm; tàu khu trục, hộ vệ; tàu hậu cần, bổ trợ; tàu trinh sát kỹ thuật, đo đạc âm hưởng…) của hải quân đối phương; tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch trên mặt đất hoặc hỗ trợ lực lượng đánh chiếm, tái chiếm đảo. (Ảnh: Dân Trí)
Ngày 31/1/2015, tại vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Star đã được các chuyên gia bơm nước vào các khoang trong vòng nhiều giờ để hạ chìm kỹ thuật, sau đó sử dụng hai tàu kéo để đưa tàu ngầm QH-184 Hải Phòng ra bên ngoài. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Trước đó, tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng được khởi đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint Petersburg (Nga) từ ngày 28/3/2012, hạ thủy ngày 28/8/2013. (Ảnh: Tiền Phong)
Ngày 4/12/2014, tại Nhà máy đóng tàu Admiralty, đại diện Hải quân Việt Nam và Nga đã ký chứng nhận chấp nhận kỹ thuật tàu ngầm HQ-184 Hải Phòng. Rạng sáng 16/12/2014, (theo giờ Việt Nam), tàu vận tải Rolldock Star (Hà Lan) chở tàu ngầm Hải Phòng về Việt Nam khởi hành từ Saint Petersburg (Nga). (Ảnh: Tiền Phong)
10h40 ngày 2/7/2015, việc lai dắt tàu ngầm kilo 185 - Khánh Hòa từ tàu vận tải Rolldock Storm về quân cảng Cam Ranh hoàn thành. (Ảnh: Zing)
Tàu ngầm Kilo 185 - Khánh Hòa giương cờ Tổ quốc khi tiến vào khu vực neo đậu cùng 3 tầu ngầm tại đây. Tàu ngầm kilo 185 - Khánh Hòa được tàu Rolldock Storm chở từ Nga về Cam Ranh ngày 30/6. Đây là chiếc tàu ngầm lớp kilo thứ 4 trong số 6 tàu ngầm cùng loại mà Việt Nam đặt hàng Nga sản xuất. (Ảnh: Zing)
Sáng 1/8/2015, Quân chủng Hải quân đã tổ chức Lễ thượng cờ quốc gia trên 2 tàu ngầm Kilo 636 mang tên HQ-184 Hải Phòng và HQ -185 Khánh Hòa tại Quân cảng Cam Ranh - Khánh Hòa. (Ảnh: Người Lao động)
Lúc hơn 22h đêm 2/2/2016, tàu vận tải Rolldock Star của Hà Lan chở theo tàu ngầm Kilo Đà Nẵng- tàu ngầm thứ 5 của Hải quân Việt Nam đặt hàng từ Nga đã về đến vùng nước Quân cảng Cam Ranh.
Tàu ngầm Đà Nẵng là chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636.1 thứ 5 mà phía Cộng hòa Liên bang Nga đóng cho Việt Nam trong hợp đồng 6 chiếc được ký kết vào năm 2009, với tổng trị giá 2 tỷ đô la Mỹ. Tàu có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, lặn sâu đến 300m, thuỷ thủ đoàn gồm 52 người. (Ảnh: Thanh Niên)
Đây là những tàu ngầm hiện đại, thuộc thế hệ thứ ba, trang bị tên lửa chống hạm Club giúp tăng khả năng tấn công từ xa, bên cạnh thuỷ lôi và mìn biển. (Ảnh: Thanh Niên)
Ngày 20/1, tàu vận tải hạng nặng Rolldock Storm, của Hà Lan chở chiếc tàu ngầm Kilo cuối cùng trong loạt 6 chiếc tàu mà nước ta đặt mua đã về đến vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa an toàn, kết thúc chuyến hải trình kéo dài hơn 40 ngày, xuất phát từ nước Nga. Trong ảnh, tàu ngầm số 6 mang tên HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tàu vận tải Rolldock Storm (Hà Lan), chở theo tàu ngầm Bà Rịa - Vũng Tàu đang neo đậu trong vịnh Cam Ranh sáng 20/1. 6 tàu ngầm Kilo mà phía Nga đóng theo đơn đặt hàng của Việt Nam trang bị nhiều khí tài hiện đại, được mệnh danh là "hố đen" trong lòng đại dương. (Ảnh: Zing)