Thời điểm này, 2 đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân di chuyển trên tàu Trường Sa 10 và tàu Trường Sa 21 mang theo nhu yếu phẩm cùng hàng nghìn suất quà tết (gồm: gạo, nếp, lá dong, thịt, bánh kẹo, đào, quất...) từ đất liền ra tặng cán bộ, chiến sĩ ở các nhà giàn DK1 để chuẩn bị đón tết Nguyên đán Quý Mão. Trong ảnh: Nhà giàn DK1/11.
Các cụm nhà giàn DK1 đóng ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cách đất liền 500 – 600 km. Sau 2 ngày di chuyển, tàu tiếp cận được các nhà giàn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của thời tiết, vùng biển phía Nam gió cấp 5 – cấp 6 với sóng cao 3 – 4m khiến việc trung chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà tết cho các nhà giàn DK1 gặp khó khăn. Trong ảnh: Tàu Trường Sa 21 (Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân) đến với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/15 nằm ở bãi Phúc Nguyên.
Sau khi cân nhắc nhiều phương án, lực lượng hải quân quyết định dùng dây thừng và cano trung chuyển hàng hóa từ tàu lên các nhà giàn DK1. Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng dây thừng trung chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14.
Hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà tết được bọc kín trong các túi nylon dày và buộc dây chắc chắn trước khi chuyển khỏi boong tàu nhằm tránh nước biển ngấm vào, gây hư hỏng. Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng dây thừng trung chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14.
Từ nhà giàn DK1, các cán bộ, chiến sĩ dùng sợi dây thừng lớn có gắn phao ở đầu dây ném về phía tàu của đoàn công tác. Mất khoảng 20 phút, lực lượng hải quân mới có thể tiếp cận và di chuyển được dây thừng lên tàu. Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng dây thừng trung chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/12.
Hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà tết sau khi được bọc trong túi nylon được các chiến sỹ hải quân buộc chặt vào dây thừng. Từ khoảng cách khoảng 400m, hàng hóa, quà tết từ từ được thả xuống biển. Trong ảnh: Hàng hóa, quà tết được cột vào dây thừng để trung chuyển cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14.
Ngay khi số hàng được tàu thả xuống biển, thông qua hệ thống ròng rọc, các chiến sĩ hải quân nhà giàn nhanh chóng kéo sợi dây thừng về phía mình. Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng dây thừng trung chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/12.
Do sóng to, gió lớn và số hàng hóa khá nặng nên mỗi lần chỉ có thể trung chuyển được 5 – 7 gói hàng. Trung bình mỗi ngày, đoàn công tác chỉ chuyển được hàng hóa, nhu yếu phẩm và quà tết cho một hoặc hai nhà giàn. Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng dây thừng trung chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14.
Khó khăn nhất là đưa những cây quất cảnh từ đất liền đến với bộ đội trên biển đảo, bởi cây khá nặng, cồng kềnh và dễ rụng quả nếu quá trình trung chuyển có nhiều va đập. Trong ảnh: Thùng đựng quất cảnh bị tuột khỏi dây thừng bởi tác động từ sóng biển mạnh và các chiến sĩ hải quân phải dùng cano để đưa vào tàu trước khi chuyển lại.
Cùng với sử dụng dây thừng, lực lượng hải quân còn dùng cano trung chuyển từng đợt hàng hóa cho nhà giàn DK1 nếu tình hình thời tiết thuận lợi hơn, sóng không quá cao và gió cũng không quá mạnh. Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng cano chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/11.
Sau khi cano tiếp cận được chân nhà giàn, số hàng hóa, quà tết được chứa trong chiếc túi lớn sẽ được cần cẩu đưa lên.Trong ảnh: Lực lượng hải quân dùng cano chuyển hàng hóa, quà tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/11.
Trước ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, việc trung chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, quà tết tới với các nhà giàn DK1 gặp vô vàn khó khăn, vất vả nhưng với quyết tâm đảm bảo cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được đón tết đầy đủ, lực lượng hải quân luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng Cụm kinh tế – khoa học – dịch vụ kỹ thuật (nhà giàn DK1) tại các khu bãi đá ngầm thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là DK 1 trực thuộc Chính phủ đã khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng nhiều nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam. |