Căn cứ không quân 10.000 binh sĩ Mỹ đặt ở Qatar

Căn cứ không quân al-Udeid của Mỹ ở Qatar có ý nghĩa quan trọng với các chiến dịch quân sự Lầu Năm Góc triển khai trong khu vực.

can cu khong quan 10 000 binh si my dat o qatar

Máy bay ném bom B-52 Mỹ đáp xuống căn cứ không quân al-Udeid ở Qatar. Ảnh: Reuters

Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Trung Đông liên quan đến việc 9 quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đang khiến dư luận thế giới chú ý tới căn cứ không quân khổng lồ al-Udeid ở nước này, nơi được biết đến như là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, theo AFP.

Trung tâm điều phối các chiến dịch quân sự

Nằm cách thủ đô Doha, Qatar, 45 phút chạy xe, với những nhà chứa máy bay khổng lồ nhô lên như những ngọn núi trên sa mạc bằng phẳng, căn cứ al-Udeid là địa điểm người dân thường không được phép tiếp cận nhưng đóng vai trò trung tâm trong chính sách đối ngoại của Qatar.

Với khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ trú đóng, căn cứ không quân al-Udeid là trung tâm điều phối trọng yếu cho các chiến dịch quân sự Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Theo CNN, căn cứ al-Udeid sở hữu một trong những đường băng quy mô nhất ở vùng Vịnh với chiều dài lên đến 3.800 m và đủ sức chứa 120 phi cơ các loại. Vậy nên, giới chuyên gia quân sự đánh giá nó có ý nghĩa tối quan trọng về mặt chiến lược.

Năm 2016, căn cứ này được sử dụng để xuất kích các máy bay ném bom B-52 Mỹ tấn công những mục tiêu IS ở Iraq và Syria. Vào thời kỳ đầu chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan, các tiêm kích F-16 và máy bay do thám E-8C Joint Stars cũng được đưa đến trú đóng ở đây cùng hàng loạt máy bay tiếp nhiên liệu.

Theo một báo cáo từ quốc hội Mỹ hồi năm 2014, Qatar đầu tư hơn một tỷ USD để xây dựng căn cứ không quân al-Udeid vào thập niên 1990 dù lực lượng không quân nước này thời điểm đó vẫn rất nhỏ bé. Song bước đi quyết định ấy đã giúp Qatar dễ dàng đào sâu mối quan hệ hợp tác với các lực lượng Mỹ.

Al-Udeid là nơi đặt trụ sở tiền tuyến của Không lực Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tâm Chiến dịch Không gian và Không quân Hỗn hợp (CAOC) cùng Không đoàn Viễn chinh 379. Theo không quân Mỹ, CAOC chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của không lực Mỹ ở Afghanistan, Syria, Iraq và 18 nước khác.

Được biên chế đội ngũ nhân sự từ không quân, lục quân, hải quân cho đến thủy quân lục chiến Mỹ, CAOC giống như một trung tâm đầu não của tất cả các chiến dịch không quân trên toàn khu vực.

CAOC hoàn thành vào năm 2003 với chi phí lên đến 60 triệu USD. Lúc bấy giờ, Mỹ bắt đầu di chuyển CAOC từ căn cứ không quân Prince Sultan ở Arab Saudi sang Qatar.

Không đoàn Viễn chinh 379 là không đoàn lớn nhất và đa dạng nhất trong lực lượng không quân Mỹ. Đơn vị này có hơn 100 máy bay đang đồn trú tại al-Udeid, bao gồm máy bay ném bom B1 cùng các máy bay do thám, không vận, tiếp nhiên liệu.

Theo website Không đoàn Viễn chinh 379, cứ mỗi 10 phút sẽ có một máy bay cất và hạ cánh ở al-Udeid, liên tục 24/7.

Lầu Năm Góc "chữa cháy" phát ngôn của Trump

can cu khong quan 10 000 binh si my dat o qatar

Trung tâm Chiến dịch Không gian và Không quân Hỗn hợp (CAOC) ở căn cứ al-Udeid. Ảnh: Washington Post

Giới quan sát đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai lên tiếng đứng về phía Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng như những quốc gia vùng Vịnh khác sau khi họ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi đầu tuần.

Trong những dòng trạng thái đăng trên Twitter hôm 6/6, ông Trump dường như cáo buộc Qatar tài trợ chủ nghĩa cực đoan, dù Nhà Trắng sau đấy điều chỉnh giọng điệu, kêu gọi vùng Vịnh đoàn kết.

Chuyên gia nhận định nếu không cẩn trọng, Tổng thống Mỹ có nguy cơ gây tổn hại mối quan hệ với một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington tại khu vực.

"Căn cứ al-Udeid là một phần giá trị chiến lược mà Qatar cung cấp cho Mỹ. Căn cứ này mang đến những điều kiện thuận lợi mà Mỹ không thể có ở bất kỳ nơi nào khác tại vùng Vịnh", Kristian Ulrichsen, chuyên gia nghiên cứu vùng Vịnh thuộc Viện Baker, Đại học Rice, Mỹ, nhận xét. Việc Qatar cho phép không quân Mỹ triển khai máy bay ném bom B-52 đến al-Udeid để tiến hành những phi vụ oanh tạc ở Syria là một trong những thuận lợi đó.

"Al-Udeid là một căn cứ khổng lồ, rất hữu dụng đối với tất cả các chiến dịch quân sự của Mỹ. Nó được sử dụng để triển khai những chiến dịch chống IS ở Syria và Somalia", Andreas Krieg, giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học King"s ở London, Anh, cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis là một trong những tướng lĩnh Mỹ từng phục vụ tại al-Udeid kể từ khi nó mở cửa vào năm 2005. Ông đảm nhận chức vụ tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm, một cơ quan trực thuộc Lầu Năm Góc, phụ trách giám sát an ninh Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á.

Lầu Năm Góc đã phải nhanh chóng giải tỏa những vấn đề phát sinh từ các phát ngôn ông Trump đăng trên mạng xã hội Twitter bằng cách khen ngợi "cam kết bền vững của Qatar với an ninh khu vực".

Việc làm này cho thấy tính thiếu nhất quán trong chính sách Mỹ hiện nay, Ulrichsen nhận định. "Rõ ràng, chúng ta có hai phe cánh trong chính quyền này, cánh Tổng thống và cánh cơ quan nhà nước", ông nói.

Al-Udeid giúp bảo đảm an ninh cho Qatar

Căn cứ al-Udeid giúp Qatar an toàn trước nguy cơ tấn công từ bất cứ đối thủ nào trong khu vực, giới quan sát đánh giá. Al-Udeid đóng vai trò như một "vật bảo đảm" cho sự ủng hộ của Mỹ đối với Qatar.

"Người Mỹ có thể cung cấp những thứ mà không nước nào làm được cho Qatar", Krieg nhận xét.

Đối với quân đội Mỹ, căn cứ al-Udeid là cách để họ phân tán rủi ro trong khu vực. Theo Andrew Bowen, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Washington "không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào một nước vùng Vịnh nào".

Tuy nhiên, khi căn cứ al-Udeid bị đặt vào tâm điểm chú ý, một rạn nứt lớn khác trong nền chính trị vùng Vịnh cũng lộ ra: các quốc gia đối địch với Qatar đang tìm cách thuyết phục Mỹ thay thế al-Udeid bằng một căn cứ khác đặt tại nước họ.

Krieg cho biết UAE đang muốn Mỹ di dời căn cứ không quân đến nước này. "Kế hoạch dài hạn là đưa người Mỹ đến UAE", ông nói.

Trong khi đó, Ulrichsen cho rằng Arab Saudi và UAE có thể gây áp lực để Mỹ di dời căn cứ khỏi Qatar song kịch bản trên "không thể thực hiện trong một sớm một chiều".

Dù ông Trump vẫn đưa ra những phát ngôn cứng rắn chĩa vào Qatar, các quan chức quân sự Mỹ cho hay máy bay vẫn tiếp tục xuất kích từ al-Udeid để hỗ trợ các chiến dịch quân sự ở Iraq, Syria và Afghanistan, theo Washington Post.

Mặt khác, căn cứ al-Udeid còn giúp Qatar giành lợi thế lớn trong những xung đột với các quốc gia láng giềng vùng Vịnh.

"Căn cứ al-Udeid mang lại cho họ sự tự tin. Nó giúp người Qatar cảm thấy như thể họ được sáp nhập vào chính sách an ninh của Mỹ trong khu vực. Trước đây, Qatar có lẽ xem căn cứ này như chốt chặn kiểm soát nguy cơ leo thang xung đột ở vùng Vịnh vì Mỹ cần nó", Hardin Lang, học giả thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP), bình luận.

Đối với quân đội Mỹ, căn cứ al-Udeid chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này khi Lầu Năm Góc đang hỗ trợ binh sĩ Iraq tái chiếm thành phố Mosul từ tay IS và chuẩn bị tổ chức cuộc tấn công thọc mạnh vào Raqqa, thủ phủ của IS ở Syria.

can cu khong quan 10 000 binh si my dat o qatar

Vị trí căn cứ không quân al-Udeid. Đồ họa: BBC

Theo Hồng Vân/VNE

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.