Từ cuối tháng 9 đến nay, Hà Tĩnh trải qua các đợt mưa lớn, kéo dài, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất luôn ở mức cao. Trong đợt mưa lớn vừa qua, một vụ đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của một bé trai.
Vào lúc 14h30 ngày 13/10, anh Thái Văn B. (thôn 3, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên) cùng 2 người con đi trên cây cầu tạm bắc qua sông Rác đoạn chảy qua thôn 4 - xã Cẩm Lĩnh để xuống thuyền đánh cá của gia đình. Quá trình di chuyển, con trai lớn của anh B. là Thái Văn V. (SN 2010) không may trượt chân, rơi xuống sông. Thời điểm xảy ra sự việc, trên địa bàn có mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Rác dâng cao, chảy mạnh nên việc cứu người rất khó khăn. Sau gần một ngày chính quyền và người dân địa phương huy động lực lượng tìm kiếm, thi thể của em V. mới được tìm thấy.
Khu vực xảy ra vụ đuối nước khiến em Thái Văn V. tử vong vào ngày 13/10.
Trước đó, trong 2 ngày 25 và 26/9, trên địa bàn huyện Hương Khê cũng xảy ra mưa lớn, gây ngập cục bộ ở một số xã. Dù đã được chính quyền địa phương cảnh báo nguy cơ nhưng anh V.V.T và N.V.T (đều sinh năm 1974, trú tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê) vẫn chèo thuyền đi bắt chim trên sông Ngàn Sâu (đoạn giáp ranh giữa xã Hương Giang và Hương Thủy). Thuyền bị lật khiến 2 người trôi xuống địa phận xã Hương Thủy. Rất may, người dân địa phương đã phát hiện kịp thời, phối hợp với lực lượng chức năng cứu được cả hai lên bờ an toàn.
Những vụ việc đó một lần nữa cảnh báo về nguy cơ đuối nước luôn tiềm ẩn trong mùa mưa bão tại các vùng trũng, miền núi, khu vực có hệ thống ao hồ, sông suối dày đặc.
Người dân sinh sống bằng nghề chài lưới ven sông cần nâng cao ý thức phòng đuối nước mùa mưa lũ.
Chị Nguyễn Thị Nhung (xã Kỳ Thượng - huyện Kỳ Anh) cho biết: "Khu vực chúng tôi sinh sống là vùng núi, có độ dốc cao nên vào mùa mưa lũ nước thượng nguồn đổ về rất mạnh. Trên địa bàn lại lắm đập tràn, khe suối, nước dâng cao nhanh. Dù chính quyền địa phương đã cảnh báo nhưng một số người dân vẫn có tâm lý chủ quan, bất chấp nguy hiểm băng qua những ngầm tràn hoặc bắt cá, đùa nghịch trên suối trong khi nước đang chảy xiết”.
Xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) là địa phương thường bị ngập lụt khi mưa lớn kéo dài.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước luôn được các cấp, ngành ở Hà Tĩnh quan tâm thực hiện, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em. Sau đợt cao điểm tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng chống đuối nước trong mùa hè, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030.
Trong đó, một số chỉ tiêu chính được đặt ra là: là 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030; 90% trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; 100% CCVC, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của các ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em...
Người dân phải tuân thủ, chấp hành nghiêm cảnh báo của chính quyền và cơ quan chức năng để tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc.
Không chỉ trẻ em mà trên thực tế, người lớn cũng là đối tượng cần được trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước, kiến thức giữ an toàn ở môi trường nước. Anh Hồ Anh Bảo - một người có nhiều năm kinh nghiệm dạy bơi ở TP Hà Tĩnh khẳng định: “Ngay cả người biết bơi, bơi giỏi vẫn có thể gặp nguy hiểm ở môi trường dưới nước, đặc biệt là trong điều kiện mưa to, nước lớn, dòng chảy xiết... Do đó, người dân cần trang bị kỹ năng bơi, cứu đuối một cách bài bản và phải luôn có ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước”.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Người dân cần theo dõi các thông tin và tuân thủ, thực hiện nghiêm cảnh báo từ chính quyền, cơ quan chức năng để kịp thời neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn; không đánh bắt cá, chim, vớt củi... tại những khu vực nước sâu, nguy hiểm để đề phòng tai nạn, bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của bản thân