Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

(Baohatinh.vn) - Xuân ở Nhà giàn và Trường Sa lạ lắm! Cán bộ, chiến sĩ ở đây dường như không đợi tết theo tiết khí và thời gian, mà tính theo sự cập bến của những chuyến tàu đong đầy tình cảm từ đất liền. Đón tết ở nơi đầu sóng trong ấm áp tình hậu phương, tình đồng đội, những người lính hải quân thêm chắc tay súng, canh giữ biển trời Tổ quốc.

Trước thềm tết Nguyên đán, phóng viên Báo Hà Tĩnh vinh dự được tham gia các chuyến công tác của Bộ Tư lệnh vùng 2 và vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Hành trình đặc biệt đã đưa chúng tôi vượt muôn ngàn gian lao, mang tình cảm của hậu phương đến với nơi đầu sóng và lắng nghe câu chuyện về những người lính can trường, dũng cảm ngày đêm vững tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.
Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Những món quà tết chan chứa tình cảm, tấm lòng của đất liền lên đường vào Trường Sa.

Lá bàng vuông gói bánh chưng xanh

Video: Người Hà Tĩnh đón tết tại đảo Song Tử Tây.

Những người lính trẻ vẫn bảo nhau rằng: “Tàu ra là Trường Sa vào tết”, khi chuyến tàu của Vùng 4 Hải quân cập cảng mang theo những kiện hàng tết đong đầy tình cảm từ đất liền, cũng là lúc mùa xuân về với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa. Hàng hóa nhanh chóng được vận chuyển vào đảo để sẵn sàng cho một cái tết trọn vẹn, đủ đầy hương vị truyền thống.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Không khí rộn ràng tại đảo Song Tử Tây đón những chuyến hàng tết cập đảo.

Trung tá Đàm Xuân Hùng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Sinh Tồn, chia sẻ: “Tết ở Trường Sa luôn mang tới những cảm xúc đặc biệt. Chúng tôi cảm nhận rất rõ và luôn quý trọng niềm tin, tấm lòng, những tình cảm sâu nặng từ đất liền hướng về Trường Sa. Đây chính là nguồn động viên chiến sĩ an tâm công tác, đáp lại tình cảm của Nhân dân cả nước”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đảo Sinh Tồn quây quần gói bánh chưng.

Trường Sa những ngày này thật ấm cúng. Các đảo nhộn nhịp bước chân qua lại; người chuẩn bị đậu xanh, gạo nếp, thịt mỡ, lá dong gói bánh chưng; người dọn dẹp nhà cửa, người chăm sóc vườn hoa... Trải qua hành trình nhiều sóng gió, thời gian vận chuyển dài ngày, lá dong không còn giữ được màu xanh tươi mới, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, người lính đảo đã sử dụng lá bàng vuông để thay thế. Cùng các chiến sĩ và người dân đảo gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, mới cảm nhận được hết cái cảm giác ấm cúng đến lạ kỳ.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Những chiếc lá bàng vuông tạo nên một hương vị đặc trưng của bánh chưng Trường Sa.

“Những chiếc lá bàng to, xanh mướt, được lựa chọn kỹ càng giúp chiếc bánh giữ được màu xanh, lại tạo nên hương vị riêng của biển đảo. Đây là nét đặc trưng của tết ở Trường Sa”, Thiếu tá Lê Thành Độ - Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 3 đảo Song Tử Tây phấn khởi chia sẻ.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Không khí rộn ràng những ngày đón tết Nguyên đán tại đảo Sinh Tồn.

Hòa chung không khí vui tươi đó, các hộ dân trên các đảo cũng háo hức chuẩn bị đón tết, vui xuân. Những căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, mới mẻ, trang trí thêm các loại đèn nháy đẹp mắt; vườn cây, vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng; những giải đấu thể thao sôi nổi, chương trình văn nghệ, hái hoa dân chủ đầy ắp tiếng cười. Khi nồi bánh chưng được thắp lửa, bên ánh lửa hồng, mọi người râm ran trò chuyện cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Lần đầu tiên đón tết tại đảo, chị Trần Thị Út (người dân tại đảo Song Tử Tây) xúc động chia sẻ: “Tết đến xuân về, chúng tôi nhận được rất nhiều tình cảm, sự quan tâm. Gia đình từ đất liền thường xuyên thăm hỏi, gửi quà bánh. Các cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ trang trí nhà cửa, vệ sinh môi trường. Những ngày cuối năm, cùng các chú bộ đội gói bánh chưng, cắm cành mai, quây quần ăn bữa cơm, tôi cảm giác như được sống trong một gia đình lớn, mọi người thêm đoàn kết, yêu thương nhau”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông tuần tra bờ biển.

Tết là những ngày vui, nhưng với lính đảo, đó cũng là khoảng thời gian vất vả với nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Quán triệt sâu sắc tư tưởng vui xuân không quên nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa tăng cường trực chỉ huy các cấp, duy trì canh gác 24/24h, đảm bảo không bị động, bất ngờ, sẵn sàng tác chiến trước mọi hình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trung úy Thiều Đình Hùng - Phân đội trưởng đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: “Tuần tra canh gác là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng với mỗi người lính và luôn được chúng tôi thực hiện với tinh thần nghiêm túc, quyết tâm cao. Dù phải ăn tết xa nhà, nhưng tôi biết ở quê hương, gia đình, bạn bè và Nhân dân luôn dõi theo chúng tôi. Đó chính là động lực to lớn để tôi và đồng đội vững tay súng nơi tiền tiêu, đảm bảo Nhân dân cả nước được đón một mùa xuân bình yên”.

Vững tay súng, canh biển giữ trời​

Sau nhiều lần tiếp cận các nhà giàn nhiều khó khăn vì điều kiện thời tiết bất lợi, đoàn công tác số 1 Vùng 2 Hải quân như vỡ òa trong niềm vui khi được nghe thông báo: “Tất cả các đại biểu sẽ được lên Nhà giàn DK1/10”. Cuộc gặp gỡ đặc biệt nơi đầu sóng ngọn gió mang lại cho mỗi người nhiều cảm xúc khó tả. Tết đến sớm với cán bộ, chiến sĩ và đoàn công tác trong bối cảnh rất đặc biệt giữa trùng khơi.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Để lên được nhà giàn, các đại biểu tàu Trường Sa 04 phải leo thang rất khó khăn và nguy hiểm.

Vui mừng đón các đại biểu lên nhà giàn, Thiếu tá Phạm Văn Sinh (Chính trị viên Nhà giàn DK1/10, quê ở huyện Hải Hậu, Nam Định) phấn khởi: “Nghe tin đoàn ra chúc tết, cả tuần nay anh em trên nhà giàn cứ xốn xang như con trẻ, ngày nào cũng ngóng trông, chờ đợi.

Sáng sớm thấy tàu xuất hiện, tất cả anh em chúng tôi trào dâng niềm hạnh phúc. Ai cũng lo lắng khi chứng kiến các thành viên đoàn công tác phải leo thang lên nhà giàn nhưng trong lòng mỗi người đều rất mong được đón thủ trưởng và đoàn công tác lên chung vui, đón tết sớm với cán bộ, chiến sĩ”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Không khí đón tết tại Nhà giàn DK1/10.

Bữa cơm ngày tết giữa trùng khơi ngày hôm đó đã trở thành sân khấu đặc biệt khi lần đầu tiên nhạc sĩ, ca sĩ Lê Anh Tuấn (Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, TP Hồ Chí Minh) dành tặng các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn bài hát “Lá thư DK”. Đây là ca khúc được anh viết dựa trên ý thơ “Thư gửi em” của Thiếu úy Lê Ngọc Chung đang công tác tại Nhà giàn DK1/20.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Bài hát “Lá thư DK” ra đời khi chứng kiến Hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu chia tay bạn gái làm nhiệm vụ.

Chuyến đi cùng đoàn công tác số 1 lênh đênh hơn 1.029 hải lý, được lắng nghe tâm sự của những người lính nhà giàn và đặc biệt là chứng kiến giây phút bịn rịn chia tay của Hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu với bạn gái ở quân cảng để lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại Nhà giàn DK1/10 là những chất xúc tác để nhạc sĩ Lê Anh Tuấn hoàn thành bài hát và hát tặng cán bộ, chiến sĩ trong một khung cảnh thiêng liêng, xúc động: “Lá thư đầu anh viết tặng em/ Là lá thư anh kể về đơn vị/ Đồng đội anh những chiến sĩ nhà giàn/ Luôn vững vàng trong bão tố mưa sa...”.

Video: Đón tết sớm trên nhà giàn DK1/10

Hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu (quê quán Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Em rất xúc động và cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào khi được nghe những giai điệu vui tươi, sâu lắng này. Em tự hứa sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, không phụ lòng mong mỏi của mọi người, cố gắng xứng đáng với truyền thống đơn vị DK1 anh hùng”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

DK1/10 là nhà giàn nhỏ nhất trong hệ thống 15 nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam.

Trong số các nhà giàn thì DK1/10 là nhà giàn nhỏ nhất, có khoảng cách với đất liền chừng 320 hải lý (576 km). Không gian sinh hoạt, luyện tập chỉ gói gọn trong nhà giàn vài chục m2. Các nhu yếu phẩm phục vụ cầu sinh hoạt hằng ngày không phải lúc nào cũng được cung cấp kịp thời.

Thế nhưng, những người chiến sĩ hải quân vẫn thầm lặng hi sinh và luôn lạc quan yêu đời, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Rau xanh gieo trồng trong các chậu, thùng nhựa chứa đất mang từ đất liền ra, được cơi nới, buộc bên thành nhà giàn hoặc đặt bên các hành lang, lối đi. Khó khăn về vật chất, thiếu thốn tình cảm, mỗi cán bộ, chiến sĩ tự nhủ lòng gác lại tình cảm riêng tư, xác định rõ trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Không chỉ cầm súng, những người lính nhà giàn còn tăng gia sản xuất, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thiếu tá Bùi Văn Thọ (quê huyện Kim Thành, Hải Dương) chia sẻ: “ Đón 7 cái tết trên nhà giàn, dù vất vả nhưng tôi luôn tự hào được cống hiến tuổi xanh cho Tổ quốc. Những ngày tết, quên đi nỗi nhớ nhà, người lính đảo chúng tôi tập trung cao nhất trong từng ca trực, chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc”

Nhà giàn DK1/10 nằm trong vùng biển cạnh đường hàng hải quốc tế. Bởi vậy, bên cạnh việc hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, tự tăng gia sản xuất, công tác sẵn sàng chiến đấu, nhất là trong dịp tết luôn được duy trì, cảnh giác cao, bảo đảm tính pháp lý quốc tế.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Dưới lá cờ Tổ quốc, tất cả cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 đồng thanh hô to “xin thề”, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Thiếu tá Phạm Văn Sinh - Chính trị viên Nhà giàn DK1/10 cho biết: “Để không bị bất ngờ trong mọi tình huống, cán bộ, chiến sĩ luôn được quán triệt đầy đủ các quy định về đối sách trên biển. Đơn vị phân công trực 24/24h bất kể lễ, tết hay điều kiện thời tiết như thế nào. Mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ, từ trực gác trên mái nhà giàn, trực quét sóng radar cho tới thông tin liên lạc với các lực lượng khác. Niềm vui của chúng tôi chỉ trọn vẹn khi Nhân dân cả nước bình yên, 15 nhà giàn trường tồn trên biển".

Trung tá Trịnh Văn Nghị - Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân khẳng định: “Mỗi nhà giàn là một cột mốc sống thể hiện chủ quyền quốc gia trên biển. Đến thời điểm này, 100% cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã yên tâm tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ, thực hiện nhuần nhuyễn các phương án tác chiến; đoàn kết, thống nhất cao, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời, vùng biển được phân công quản lý và bảo vệ tuyệt đối an toàn nhà giàn”.

Canh giữ biển trời cho Tổ quốc vào xuân (bài 2): Tết ở Nhà giàn, Trường Sa lạ lắm!

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 trực sẵn sàng chiến đấu trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Chúng tôi rời Nhà giàn DK1/10 trong nỗi luyến lưu của cả người đi và người ở lại. Lá quốc kỳ đỏ thắm tung bay trên tay những người chiến sĩ khi vẫy chào tạm biệt đoàn công tác. Trên sân thượng của “thành lũy thép”, trận địa pháo phòng không đang giương cao, sẵn sàng chiến đấu. Ở nơi trùng khơi, trái tim của người chiến sĩ luôn hướng về đất mẹ và tình cảm của hậu phương là sức mạnh to lớn để các anh thêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

(Còn nữa)

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.