An Tĩnh xưa được giáo sư sử học Hippolyte Le Breton soạn thảo trong thời gian giảng dạy và làm hiệu trưởng ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, 1924-1928). Tác phẩm là thành quả xứng đáng từ những lớp tham quan dã ngoại được tổ chức thường xuyên, kết hợp với sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, học trò, đặc biệt là nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp, phân tích tư liệu của ông.
Cuốn sách là một công trình có giá trị về An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), với độ dày 372 trang, kèm theo gần 200 bức ảnh, trong đó có một số chụp bằng máy bay. Tác giả được đào tạo ở Pháp, có phương pháp làm việc tốt, lại có phương tiện hiện đại như máy chụp ảnh, có máy bay giúp sức, có địa đồ chính xác, có các ngành khoa học khác hỗ trợ như: địa chất, địa động học, địa lý khảo cổ... nên cuốn sách này của ông có tính khoa học cao.
Thành Bến Thủy được chụp từ trên không. Theo Le Breton, trên đồi ở cảng Bến Thủy vẫn còn lại vết tích một cái thành. Người ta đã xác định được nơi có những công sự, sở chỉ huy và cả vết tích các đồn lũy. Đồn Bến Thủy có niên đại thế kỷ I. Đồn này chống lại quân Chăm vượt sông Lam. Thành Bến Thủy được củng cố mạnh mẽ dưới triều Trần trước sự xâm lấn của người Chăm vào thế kỷ XIV.
Thành Vinh đầu thế kỷ 20. Trong sách, Le Breton viết: “Thành mới đầu xây bằng đất, đời Minh Mạng mới xây bằng gạch, hoàn tất vào năm 1832. Thành Vinh hình lục giác, vì thế dân ở đây gọi là Rùa. Chu vi 620 trượng (1 trượng = 10 thước = 4,2 m), cao 1 trượng. Trên thành có xây bức tường lùi vào trong cao 2,50 thước. Lúc đầu thành hào sâu 8 thước, nhưng đã bị lấp cạn và người ta trồng lúa ở đó".
Đền Thiên Vương Hồng Lĩnh Sơn. Khối quần sơn kỳ vĩ nằm trên hữu ngạn sông Lam. Phần sườn phía Bắc thuộc huyện Nghi Xuân, sườn phía Nam thuộc Can Lộc. Trên Hồng Lĩnh Sơn có đền Thiên Vương có niên đại từ đời Minh. Đền này bị cháy một phần vào năm Ất Dậu (1885), tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đã cho trùng tu vào năm Thành Thái thứ 13 (1901).
Cửa Lò. Trong cuốn sách, Le Breton cho biết đầu thế kỷ XV, chưa có Cửa Lò. Ngọn núi nằm giữa quan lộ và Cửa Lò xưa kia là một hòn đảo. Hai nhánh sông Cấm bao quanh hòn đảo, bắt đầu từ cái làng gọi là Đò Cấm, gần nhà ga cùng tên. Nhánh phía bắc vẫn giữ nguyên, nhánh phía nam tạo thành cửa Xá - một cửa sông - nhưng ngày nay đã hoàn toàn bị lấp. Nguyễn Xí được phong đất dọc bờ biển từ Cửa Lò đến Cửa Hội… Trong các bãi bồi ấy có Bàu Ó mà dư địa chí gọi là “Hồ nước biển”. Dọc bờ Bàu Ó, Nguyễn Xí đã cho xây dựng một làng cùng tên. Trên các bãi bồi khác ông cũng cho lập thêm nhiều làng.
Đền thờ người sáng lập ra họ Nguyễn - Tiên Điền. Trong sách Le Breton viết: “Gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền cho chúng ta biết người sáng lập ra thế tộc này là Nguyễn Thuyến, Thư quận công, sống vào thế kỷ XVI. Vì có công phục vụ các triều Lê mà được ban cho thái ấp Tiên Điền".
Đền thờ Nguyễn Du. Trong cuốn sách, Le Breton viết: “Đền thờ Nguyễn Du, nhà thơ bất tử, là đền thờ khiêm tốn nhất của đại tộc này. Đền được xây vào năm 1823 vào dịp cất táng hài cốt của nhà thơ”. Tác giả sách cũng cho biết bức ảnh này được thực hiện vào ngày 23/3/1928, với sự tham dự của học sinh trường Quốc học Vinh. Le Breton đứng ở chính giữa, đứng cạnh ông bên phải là chi trưởng chi của Nguyễn Du, bên trái là chi trưởng chi của Xuân Quận Công.
Võ Miếu. Trong sách Le Breton cho biết “Võ Miếu thờ Quan Công - thần chiến tranh có niên đại năm Minh Mệnh thứ 18 (1839)”.
Ảnh chụp từ Hồng Lĩnh Sơn: Sông Lam và tầng đất ở Sa Nam; đằng sau về phía đông, làng Xuân Hồ và dãy núi Hữu Biệt.
Đèo Ngang. Le Breton cho biết do yếu tố địa động mà ngọn núi cao nhất đã án ngữ hoàn toàn phía nam Kỳ Anh. Dãy núi ngang ấy liên tục chạy tận ra biển, chỉ chừa lại một con đường độc đạo: đèo Ngang. Trên đỉnh đèo có bức tường chắn, chỉ có một cửa đi lại. Vì công trình này mà người ta thường gọi dãy Hoành Sơn là Cổng An Nam.
Chơi cờ người ở Hoành Sơn. Le Breton cho biết một bên 16 cậu con trai, một bên 16 cô con gái làm những quân cờ. Mỗi bên đối thủ có 1 tướng, 2 sĩ 2 tượng 2 xe, 2 pháo, 2 mã và 5 tốt. Các cậu con trai chít khăn lụa đỏ, các cô gái chít khăn màu xanh lục.