Câu chuyện của cô gái nghèo Hà Tĩnh giành học bổng Viện Hàn lâm Trung Quốc

(Baohatinh.vn) - Vì ham học, Nguyễn Thị Duyên (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) từng nài nỉ mẹ cho học hết THPT rồi sẽ đi làm thuê.

Câu chuyện của cô gái nghèo Hà Tĩnh giành học bổng Viện Hàn lâm Trung Quốc

Nguyễn Thị Duyên giành được học bổng toàn phần hệ thạc sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Tân Đình, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà), Nguyễn Thị Duyên (SN 1995) từng nghĩ sẽ không có cơ hội đến trường. Duyên được định hướng học hết THCS rồi đi làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống và phụ mẹ chăm sóc người bố bị câm điếc bẩm sinh. Thế nhưng, với niềm đam mê học tập, Duyên cô gắng nài nỉ mẹ cho học hết THPT rồi sẽ đi làm thuê.

Có học lực, đạo đức tốt, luôn gương mẫu, nhiệt tình đi đầu trong các hoạt động phong trào, Duyên được cô giáo và các bạn tin tưởng bầu làm lớp trưởng trong suốt 3 năm theo học tại Trường THPT Lý Tự Trọng (thị trấn Thạch Hà). Yêu thích vẽ và sáng tác thơ từ bé nhưng Duyên đành gác lại đam mê do hoàn cảnh gia đình không cho phép. Nữ sinh chuyển hướng sang học các môn khoa học tự nhiên với hy vọng có thể dễ dàng tìm kiếm một nghề nghiệp ổn định sau này.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp loại giỏi THPT, Duyên nộp hồ sơ thi đại học khối A vào Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và hồ sơ khối B vào Khoa Công nghệ sinh học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tháng 9 năm đó, giấy báo trúng tuyển của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trước, mở ra cơ duyên cho cô nữ sinh nghèo đến với nghiên cứu bộ môn sinh học.

Để được đến với giảng đường, Duyên nhận làm thêm đủ nghề từ gia sư, bồi bàn, dọn dẹp nhà mới xây, trông coi quán Internet... "Bất cứ việc gì có tiền, miễn là không trái với đạo đức thì em đều làm. Cũng có những khi trong túi không còn đủ tiền để ăn mì gói, em phải nhịn bữa tới trường" - Duyên xúc động nhớ lại.

3 năm sau khi Duyên vào đại học, em gái thứ hai của cô (SN 1998) cũng đến với giảng đường. Dù gia cảnh vất vả nhưng vì thương các con ham học, bố mẹ cô đã vay mượn khắp nơi để chị em Duyên được tiếp tục với sự nghiệp đèn sách. “Đó là quãng thời gian khó khăn với cả gia đình mà không ai muốn trải nghiệm lại lần nữa” - Duyên nói.

Câu chuyện của cô gái nghèo Hà Tĩnh giành học bổng Viện Hàn lâm Trung Quốc

Nguyễn Thị Duyên và bố.

Chính những trải nghiệm ấy đã tôi luyện nên sự bản lĩnh cho Nguyễn Thị Duyên, giúp cô luôn trân trọng cơ hội được học để thoát nghèo. Vào năm thứ 3 đại học, Duyên tham gia chương trình đào tạo kết hợp giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Tsukuba (Nhật Bản) trong 1 học kỳ và đạt điểm tuyệt đối.

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Duyên nhận được học bổng nghiên cứu về lĩnh vực Sinh học phân tử - Chuyển gene của một trường đại học ở Hàn Quốc và học tập tại đây cho đến hết năm 2019.

Năm 2020, Duyên nộp hồ sơ xin học bổng thạc sĩ do Chính phủ và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cấp và xuất sắc trúng học bổng toàn phần.

Sau 1 năm học tại Thủ đô Bắc Kinh, Duyên đạt điểm GPA 3.94/4.0 và được gửi về phòng nghiên cứu Xishuangbanna Tropical Botanical Garden thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc để học tập, nghiên cứu. Hiện tại, cô đang tìm hiểu về sự biến đổi của khí hậu lên thảm thực vật thông qua việc nghiên cứu cấu trúc của thực vật.

"Em chọn nghiên cứu sinh thái thay vì sinh học phân tử bởi sự yêu thích thiên nhiên và em tìm được niềm vui trong nghiên cứu. Với sinh thái học, em được trèo rừng lội suối, được hoà mình vào thiên nhiên, điều đó phù hợp với tính cách bay bổng của em hơn là nghiên cứu gene, DNA, RNA..." - Duyên chia sẻ.

Câu chuyện của cô gái nghèo Hà Tĩnh giành học bổng Viện Hàn lâm Trung Quốc

Duyên là tấm gương nỗ lực vượt khó, vươn lên học tập để đạt được thành công.

Không chỉ nhiều năm liền đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, Duyên còn thông thạo các ngoại ngữ khác nhau như tiếng Anh, Trung, Hàn và Nhật. Tháng 3/2023, trước khi bước vào năm học mới, Duyên đi thực tập ở Na Uy trong vòng 5 tháng và dành 1 tháng để di du lịch một mình qua nhiều nước châu Âu như: Hà Lan, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ... Cuộc hành trình này đã cho cô nhiều bài học đáng quý và những trải nghiệm mà nhiều năm về trước Duyên chưa từng nghĩ tới.

Cô gái 9x chia sẻ: "Với em, con đường để trở nên thành công bền vững chính là tri thức. Em không ngại những khó khăn, thử thách mà trái lại cảm thấy vui vì được trải nghiệm và thử thách bản thân. Giống như việc làm bồi bàn, trông coi quán Internet, nếu không có sự vất vả ngày ấy thì sẽ không có em của ngày hôm nay".

Giờ đây, không chỉ tự lo được cho bản thân, Duyên còn vừa học vừa kinh doanh thêm để thay bố mẹ chăm lo cho em gái thứ 3 đang theo học tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Duyên cũng tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện hỗ trợ trẻ em nghèo.

"Mục tiêu trước mắt của em là tốt nghiệp thạc sĩ với một công bố khoa học tốt. Sau đó có thể học lên tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hoặc xin học bổng tại một trường đại học tốt ở Australia. Em cũng ấp ủ dự định sẽ trở về Việt Nam giảng dạy sau khi hoàn thành chương trình học để đóng góp cho sự phát triển của quê hương" - Duyên nói.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Kết nối, lan tỏa nét đẹp người Hà Tĩnh ở muôn phương

Những cuộc gặp mặt, kết nối sinh viên, thanh niên, doanh nhân quê Hà Tĩnh ở 3 miền đất nước không chỉ nối vòng tay thấm đượm nghĩa tình quê hương mà còn lan tỏa giá trị văn hóa, con người mảnh đất núi Hồng, sông La.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.