Ngày 3/8, bức ảnh một người đàn ông ngoại quốc ôm con ngựa giấy (vàng mã) đứng tại sân bay Nội Bài được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Việt Nam.
Nhiều người cảm thấy hài hước khi cho rằng người đàn ông đã mua một món quà về tặng con gái mà không biết nó là đồ để đốt cho người đã khuất.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí , người đàn ông này là Arnaud Zein El Din (44 tuổi, đến từ Mexico), một kiến trúc sư đồng thời là blogger. Ông Arnaud vừa có lần đầu tiên đến Hà Nội và ở lại trong 3 tuần để khám phá thành phố.
Khi phóng viên liên hệ, vị du khách đã đến Pháp. Ông Arnaud cũng mới biết mình vừa nổi tiếng trên mạng xã hội Việt Nam bởi một bức ảnh do ai đó chụp lại.
Hình ảnh ông Arnaud Zein El Din ôm con ngựa vàng mã tại sân bay Nội Bài được lan truyền trên mạng xã hội.
“Tôi đã mua con ngựa đó với giá 100.000 đồng ở một khu phố tại Hà Nội. Chỉ vì tôi tình cờ bắt gặp và thấy nó đẹp. Tôi đoán nó có nhiều ý nghĩa hơn, như để dùng cho một buổi lễ”, ông chia sẻ.
Con ngựa vàng mã nằm trong kế hoạch “lượm lặt” một cách ngẫu hứng nhiều vật dụng mà Arnaud Zein El Din bắt gặp tại Hà Nội. Ông cho phóng viên xem “bộ sưu tập” của mình, gồm cả mũ cối, điếu cày, chiếu cói, cốc thủy tinh uống bia, mặt nạ mẹt, đó bắt cá... cả một cái bát đựng đầy gạo cũng nằm trong bộ sưu tập.
“Không có sự gợi ý nào cả, tôi chỉ đi dạo và lựa chọn theo bản năng”, Arnaud nói và cho biết Hà Nội là thành phố đẹp đẽ, “đánh cắp trái tim ông”.
Bộ sưu tập mà Arnaud Zein El Din thu lượm được tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Nam du khách sau đó đã mang con ngựa giấy cùng những món đồ trên đến sân bay Nội Bài để rời khỏi Việt Nam. Ông mang con ngựa qua được quầy check-in và cửa kiểm soát an ninh. Tuy nhiên, khi bước vào trong máy bay, nhân viên của hãng hàng không đã kiên quyết từ chối vận chuyển con ngựa giấy.
“Tôi đã phải để con ngựa ở lại sân bay”, ông nói.
Con ngựa giấy qua được quầy làm thủ tục và cửa an ninh, nhưng bị từ chối mang lên máy bay (Ảnh: NVCC).
Arnaud Zein El Din cho biết khi đã rời khỏi Việt Nam, ông mới biết con ngựa mình mang theo là “đồ vàng mã”, được làm ra và đem đốt như một cách cúng tiến cho các vị thánh để cầu may mắn.
“Thế giới có rất nhiều truyền thống và cách thực hành văn hóa tuyệt vời. Tôi muốn tạo ra một bộ sưu tập gồm tất cả các yếu tố thực này, tất cả đều từ cùng một hành tinh và tất cả đều khác nhau một chút. Nó đối chọi với xu hướng toàn cầu hóa để đánh đồng văn hóa”, vị kiến trúc sư chia sẻ.
Với những món đồ còn lại gom nhặt được từ Việt Nam, ông Arnaud sẽ chụp ảnh, ghi chú trọng lượng, kích thước, câu chuyện, chất liệu... và giữ nó trong nhà của mình tại Mexico.