Câu chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Vụ án dân sự phân chia tài sản sau ly hôn do Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạch Hà thụ lý đã trở thành câu chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng ở Hà Tĩnh khi cả nguyên đơn lẫn bị đơn đề nghị bắt cá dưới hồ để đong đếm, phân định.

Câu chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng ở Hà Tĩnh

Thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn triển khai nhiệm vụ liên quan đến công tác xét xử án hôn nhân gia đình.

Đầu năm 2022, TAND huyện Thạch Hà nhận được đơn khởi kiện của chị P.T.A. (trú huyện Thạch Hà) về việc yêu cầu ly hôn với chồng là anh N.X.Đ. (trú cùng địa chỉ). Nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ hôn nhân là do anh Đ. thiếu quan tâm, chăm sóc gia đình, lại thường xuyên bạo hành, đánh đập vợ.

Ngoài việc đưa ra yêu cầu liên quan đến nuôi dưỡng con chung, chị A. đề nghị tòa án phân chia khối tài sản chung mà 2 vợ chồng tạo lập được, gồm đất ở và một thửa đất thuê của Nhà nước để nuôi trồng thủy hải sản. Trên phần tài sản thuộc đất thuê theo chị A. đề cập, có khoảng 2 tấn cá trong hồ.

Quá trình hòa giải diễn ra khá căng thẳng bởi các đương sự không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề phân chia tài sản. Cả chị A. và anh Đ. đều tỏ thái độ gay gắt khi thể hiện quan điểm nhằm bảo vệ quyền lợi cho bản thân. Trong khi chị A. yêu cầu chia đều thửa đất thuê cho 5 thành viên trong gia đình và chia đôi tài sản trên đất cho các bên được hưởng thì anh Đ. lại kiên quyết bác bỏ. Người chồng cho rằng, thửa đất do anh trả tiền thuê hằng năm và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình nên không đồng ý mà chỉ chấp thuận việc chia đôi tài sản trên đất.

Mâu thuẫn càng lên đỉnh điểm khi đôi bên yêu cầu quá trình giải quyết vụ án, cán bộ tòa án phải tiến hành bắt toàn bộ cá đang được nuôi dưới lòng hồ (tài sản trên đất) để đong đếm, phân chia nhằm đảm bảo tính công bằng.

Câu chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng ở Hà Tĩnh

Mâu thuẫn càng lên đỉnh điểm khi đôi bên yêu cầu tòa án phải tiến hành bắt toàn bộ cá đang được nuôi dưới lòng hồ (tài sản trên đất) để đong đếm, phân chia nhằm đảm bảo tính công bằng. (Ảnh minh họa).

Thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn (Phó Chánh án TAND huyện Thạch Hà) - người phụ trách vụ án cho hay, 17 năm công tác trong ngành tòa án, 7 năm là thẩm phán, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ hôn nhân gia đình, song đây là lần đầu tiên, ông bắt gặp tình huống hy hữu như vậy.

Để có căn cứ xác thực trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn đã trực tiếp đến thửa đất nuôi trồng thủy sản của gia đình chị A. thẩm định. Qua quan sát thực tế và tìm hiểu một số bên liên quan, vị thẩm phán xác định được trong hồ đang nuôi khoảng 1 tấn cá các loại (cá trắm, cá chim...). Thẩm phán Hoàn còn tham khảo ý kiến của các hộ nuôi trồng thủy sản lâu năm, đồng thời, tranh thủ kinh nghiệm xét xử từ những người đi trước để sớm tháo gỡ nút thắt của vụ án.

Bằng sự am hiểu pháp luật cùng kinh nghiệm lâu năm của một “quan tòa”, thẩm phán Hoàn đã lý giải, làm rõ cho các đương sự hiểu và nhận thức đúng về quá trình giải quyết. “Trong lòng hồ nuôi rất nhiều loại cá khác nhau, do vậy, việc tính toán giá trị kinh tế chỉ nằm ở mức tương đối. Ngoài ra, vấn đề đánh bắt toàn bộ cá không thể tiến hành ngay mà cần có thời gian, chưa kể đến rủi ro trong quá trình thực hiện. Chi phí thuê người đánh bắt dự tính sẽ rất lớn trong khi khó bảo đảm tài sản còn nguyên vẹn, như vậy, thất thoát về mặt kinh tế là không hề nhỏ” - thẩm phán Hoàn phân tích.

Cứ thế, trong những buổi hòa giải sau đó, vị thẩm phán vẫn kiên trì giải thích cho đương sự theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”. Trước phân tích “thấu tình đạt lý” của thẩm phám, chị A. và anh Đ. dần hiểu ra. Tại buổi hòa giải cuối cùng trước khi ra tòa, đôi bên đi đến thống nhất: tham khảo giá thị trường để bàn bạc, thương lượng hướng xử lý phù hợp.

Câu chuyện hy hữu trong lịch sử tố tụng ở Hà Tĩnh

Trong những buổi hòa giải sau đó, vị thẩm phán vẫn kiên trì giải thích cho đương sự theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”. (Ảnh minh họa).

Tháng 9/2022, TAND huyện Thạch Hà mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp ly hôn chia tài sản chung, nợ chung và giải quyết nuôi con giữa chị A. và anh Đ. Tại phần phân chia thửa đất thuê của Nhà nước để nuôi trồng thủy hải sản, Hội đồng xét xử nhận thấy, thửa đất này được anh Đ. thuê trong thời kỳ hôn nhân nên đây là tài sản chung của vợ chồng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Phòng TN&MT huyện Thạch Hà, không thể đem chia tách để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng cá nhân riêng lẻ đối với đất Nhà nước cho cá nhân thuê. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ xem xét giá trị tài sản trên đất để phân chia cho các bên.

Theo thỏa thuận giữa các đương sự, anh Đ. tiếp tục quản lý thửa đất nói trên, đồng thời có trách nhiệm trả lại cho chị A. số tiền tương ứng một nửa tài sản gắn liền trên đất (gồm tiền tương đương nửa tấn cá). Xét thấy đề nghị của các bên là có cơ sở, Hội đồng xét xử đã tuyên bố chấp thuận.

Cuối cùng, vụ án ly hôn “chia cá... dưới ao” cũng được giải quyết ổn thỏa.

Đọc thêm

“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.