Niềm vui của gia đình Đại úy Nguyễn Đại Chính khi được đi du lịch cùng nhau.
“Chồng tôi là bộ đội hải quân”
Đó là câu nói đầy tự hào của chị Nguyễn Thị Chung (SN 1990, trú thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn, Thạch Hà) mỗi khi ai hỏi về gia đình. Được biết, chồng chị là Đại úy Nguyễn Đại Chính (SN 1976) - cán bộ kỹ thuật đang công tác ở đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Trong trái tim của chị Chung, tình yêu với chồng - người lính hải quân đóng quân nơi đảo xa luôn đong đầy và là nguồn động lực để chị kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tình cảm vợ chồng cũng giúp chị làm tròn vai người vợ, người cha, người mẹ nuôi dạy các con khôn lớn, làm dâu hiền thảo, giữ đạo hiếu với gia đình.
Những năm tháng xa chồng, chị Chung vừa hoàn thành tốt công việc của một giáo viên tại Trường Mầm non Ngọc Sơn vừa chu toàn lo lắng việc nhà cửa, chăm sóc mẹ chồng nay đã 75 tuổi. Để hoàn thành tốt nhiều vai trò, chị đã phải cố gắng gấp nhiều lần. Sự nỗ lực ấy rất khó để đo đếm nhưng động lực đều xuất phát từ tấm lòng hướng về biển đảo thân yêu, về người chồng đang kiên cường bám biển.
Niềm vui của 3 mẹ con chị Chung là những phút giây được trò chuyện với chồng là Đại úy Nguyễn Đại Chính đang công tác ở đảo Trường Sa Lớn (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa),
Chị Chung tâm sự: “Tôi và chồng kết hôn được 11 năm thì cũng là chừng ấy năm anh đi làm nhiệm vụ tại cảng Cam Ranh và quần đảo Trường Sa. Làm vợ lính, tôi sợ nhất buổi chia tay. Những lúc ấy, vợ chồng tôi chỉ ước thời gian trôi chậm lại để giữ khoảnh khắc bên nhau. Tôi sợ chia tay anh ở bến cảng Cam Ranh, sợ cảnh người trên tàu kẻ dưới bến, nước mắt rơi bịn rịn”.
Dẫu phải xa nhau thời gian dài, số ngày anh Chính ở nhà rất ít nhưng anh chị vẫn vẹn nguyên ước hẹn xây dựng gia đình hạnh phúc. Được biết, vợ chồng anh Chính, chị Chung đã có 2 người con là Nguyễn Nam Phong (SN 2013) và Nguyễn Trâm Anh (SN 2016). Cả 2 lần chị Chung vượt cạn, anh Chính chẳng thể ở bên nhưng cũng như bao người vợ ở hậu phương, chị luôn tự hào vì chồng là người lính Trường Sa. Chị Chung chia sẻ: “Tôi cũng có những khoảnh khắc tủi thân khi chồng ở xa, chẳng thể gần nhau san sẻ tâm tư. Đã nhiều cái tết chồng không ở nhà để đón giao thừa cùng các con, tôi càng thêm chạnh lòng. Nhưng tôi xác định, đã là vợ lính thì luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, vun vén hạnh phúc gia đình. Mỗi lần nghĩ anh là chiến sỹ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc, tôi thấy tự hào về những gì mà anh đang cống hiến”.
Mẹ con chị Chung luôn trân trọng những món quà kỷ niệm mà anh Chính mang về từ nơi đảo xa.
Nhớ chồng, thương con, chị Chung luôn kể những câu chuyện ở nơi đảo xa của bố cho các con nghe. Vừa tròn 10 tuổi, mỗi khi nhắc đến bố, cậu bé Nguyễn Nam Phong luôn dâng lên niềm tự hào: “Bố cháu là bộ đội ở ngoài đảo xa, bố phải đi xa để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ mẹ con cháu. Cháu luôn tự hào về bố...”.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, biết bao cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân huyện đảo vẫn kiên trì bám biển, bám đảo, ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Nhìn về đất liền là những người mẹ, người vợ, người con ngóng trông bóng hình của con, chồng, cha. Những người vợ ở hậu phương như chị Chung ngày đêm vẫn kiên cường, lặng lẽ gánh vác, lo toan chu toàn mọi việc trong gia đình để những người lính nơi đảo xa vững vàng trước sóng gió biển khơi.
Ba thế hệ chung một chiến trường
Câu chuyện của gia đình cựu chiến binh - Đại tá Phạm Hữu Giáp (SN 1950, trú tại tổ dân phố 6, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) là tinh thần tiếp nối truyền thống quân ngũ. Ông Giáp tự hào khi có 5 người trong gia đình đã và đang cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Đại gia đình cựu chiến binh Phạm Hữu Giáp.
Ông Giáp kể lại: “Tháng 2/1968, tôi tham gia quân ngũ và trở thành chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 44B, Bộ CHQS Hà Tĩnh. Sau 5 tháng huấn luyện, tôi và đồng đội nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận Trung Lào. Thời gian này, cha tôi là cụ Phạm Văn Giáo (1925-1985) cũng nhận nhiệm vụ làm chuyên gia y tế cho bộ đội ta và nước bạn Lào. Năm 1971, tôi bị thương và về nước điều trị, an dưỡng. Khi sức khỏe hồi phục, tôi tiếp tục đảm nhận nhiều vai trò trong quân đội, đóng quân tại nhiều địa bàn trên cả nước. Đến năm 2008, tôi nghỉ hưu và trở về quê hương”.
Qua chặng đường 40 năm tham gia quân ngũ, cựu chiến binh Phạm Hữu Giáp đã anh dũng chiến đấu chống giặc, cống hiến trong thời bình. Dù vậy, ông vẫn luôn đau đáu những nỗi niềm với đồng đội đã ngã xuống cho độc lập dân tộc. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, ông đã cùng với những đồng đội khác đi tìm hiểu, kết nối những đồng đội còn sống và tình nguyện tham gia tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ và đã giúp được nhiều thân nhân tìm thấy người thân.
Trong khi đó, vợ ông Giáp - bà Bùi Thị Hương (SN 1949) cũng từng là một người lính, một y tá xông pha nơi tiền tuyến tại nước bạn Lào. Gặp nhau nơi “mưa bom bão đạn”, tình yêu của ông bà đã sớm nảy nở, đó cũng là động lực để vợ chồng ông vượt qua khó khăn, gian khổ, anh dũng chiến đấu với kẻ thù.
Vợ chồng ông Giáp, bà Hương có 3 người con (1 gái, 2 trai). Tiếp nối tinh thần của bố mẹ, người con đầu của ông bà là chị Phạm Thị Linh Nhâm (SN 1972) cũng theo nghiệp quân ngũ. Hiện, chị Linh Nhâm và chồng là anh Trần Nam Phương đều là bộ đội, đang công tác tại Cục Quân y (Bộ Quốc phòng).
Người con trai thứ 2 của ông bà là Thượng tá Phạm Hữu Tiến (SN 1975) đang đảm nhận chức vụ Chính trị viên Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ tại Lào (thuộc Bộ CHQS Hà Tĩnh). Mùa khô 2023-2024, anh Tiến lại tiếp tục cùng đồng đội khoác ba lô, quân tư trang lên đường sang đất nước bạn Lào thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ.
Thượng tá Phạm Hữu Tiến (thứ 3, từ phải sang) cùng đồng đội nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2023-2024.
Với Thượng tá Phạm Hữu Tiến, nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm lớn lao. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự tri ân, tôn kính, ghi nhớ sâu sắc công lao to lớn của các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Do đó, anh luôn xác định nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của người quân nhân cách mạng đồng thời nối tiếp hành trình của cha mình.
Thượng tá Phạm Hữu Tiến chia sẻ: “Truyền thống gia đình, những lời dạy của cha, lời chỉ bảo của mẹ đã tiếp thêm động lực cho tôi và chị gái trên con đường theo sự nghiệp quân ngũ. Dù còn lắm gian nan, vất vả nhưng khi đã khoác lên mình màu áo lính, chúng tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Lặng lẽ và cần mẫn, những gia đình quân nhân vẫn đang góp phần viết thêm trang sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng ngọn lửa niềm tin trong trái tim mình. Họ hiểu rằng, chỉ khi đất nước thanh bình thì Nhân dân mới được an yên, gia đình mới hạnh phúc. Chính vì lẽ đó, những người lính vẫn luôn vững vàng tay súng canh giữ biển trời, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nơi quê nhà, hậu phương vẫn luôn mong chờ, làm điểm tựa, tiếp sức cho họ nơi đầu sóng, ngọn gió.