Cách đây hơn một tuần, Tổ công tác Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng, Hương Khê) đã đóng vai trò “chủ công” trong việc phối hợp tổ chức Tết Lấp lỗ cho bà con đồng bào dân tộc Chứt. Ngày tết cổ truyền của đồng bào nơi đây diễn ra trong không khí thấm đượm tình quân dân, đoàn kết và trách nhiệm. Để ngày tết thêm vui và ý nghĩa, quân cùng dân đã chỉnh trang bản làng, dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo đẹp, chơi các trò dân gian và mổ lợn, thịt gà để tế lễ, ăn tết.
Anh Hồ Xuân Nam – Trưởng ban Công tác mặt trận bản Rào Tre phấn khởi cho biết: “Được sự giúp đỡ của BĐBP, sự quan tâm của các cấp, các ngành nên Tết Lấp lỗ của đồng bào đã được duy trì hằng năm và ngày càng được tổ chức to hơn. Đây là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng có ý nghĩa rất quan trọng trong cộng đồng chúng tôi”.
Vừa tất bật lo xong tết cổ truyền cho đồng bào dân tộc Chứt, CBCS Đồn Biên phòng Bản Giàng lại phải gấp rút chuẩn bị đón năm học mới cùng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những ngày này, lực lượng động quần chúng đang tập trung bám địa bàn, nỗ lực dân vận khéo để động viên các cháu không bỏ học, vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường, phối hợp cùng chính quyền các địa phương và trường học tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi nguồn xã hội hóa (hỗ trợ sách vở, bút mực, quần áo, xe đạp…) để giúp đỡ 15 cháu thuộc diện hỗ trợ theo chương trình “Nâng bước em đến trường” và 4 cháu “Con nuôi đồn biên phòng”.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết: “Công tác chăm lo giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân biên giới luôn được cấp ủy, chỉ huy và toàn thể CBCS trong đơn vị đặc biệt quan tâm, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm tốt việc này, chúng tôi luôn quan tâm thường xuyên đến việc học hành của con em nghèo, việc cưới xin và tang ma theo nếp sống mới, thường xuyên phối hợp các hoạt động thể thao và giao lưu văn nghệ, nỗ lực hạn chế hôn nhân cận huyết trong đồng bào Chứt, ngăn chặn truyền đạo trái phép và văn hóa phẩm độc hại xâm nhập địa bàn…”.
Cũng như ở Bản Giàng, các đơn vị biên phòng khác cũng tập trung làm tốt công tác hỗ trợ học tập, giáo dục để góp phần nâng cao dân trí, cải thiện văn hóa cho vùng biên. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT mở được 15 lớp xoá mù chữ cho 285 người dân bị tái mù chữ trên 2 tuyến biên giới, vận động 269 em đến trường đúng độ tuổi, giúp đỡ 388 em bỏ học trở lại trường học.
Đặc biệt, BĐBP đã có nhiều mô hình có ý nghĩa hướng đến học sinh nghèo khó vùng biên là chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” giúp đỡ 61 cháu với số tiền 500.000 đồng/cháu/tháng và dự án “CBCS Quân đội nâng bước em tới trường” hỗ trợ 28 em với 200.000 đồng/cháu/tháng...
Để nâng cao đời sống văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần cho Nhân dân khu vực biên giới, BĐBP Hà Tĩnh cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động, xây dựng và tham gia nhiều mô hình hay, ý nghĩa như: Câu Lạc bộ “Tình thương” ở thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn); “Bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt”, “Cầu nối se duyên”, “Chống tuyên truyền đạo trái phép” ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê); “Tay kéo Biên phòng” (tại 11/14 đồn biên phòng); “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” gắn với “Phụ nữ với chiến sỹ quân hàm xanh” (tại 16 xã, phường, thị trấn)...
Thượng tá Hồ Năng Bảo – Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên thực hiện công tác dân vận và thi đua dân vận khéo hướng về việc chăm lo giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân vùng biên. Nhờ thực hiện kiên trì, đồng bộ, sáng tạo và có sự phối kết hợp tốt với các địa phương, sở ngành nên đã cho kết quả tích cực. Đặc biệt, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Sở VH-TT&DL thực hiện tốt dự án “Nâng cao chất lượng văn hoá - thông tin trên khu vực biên giới, bờ biển”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa... Theo đó, đến nay, trên địa bàn biên phòng có 66.267 hộ đạt gia đình văn hóa, 252 thôn được công nhận “Làng văn hoá”, các lễ hội truyền thống được phát huy, các hũ tục bị xóa bỏ, các bản sắc văn hóa được giữ gìn...”.