Công ty TNHH Tình Chương ở thôn Nam Lý, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cả trăm tấn thức ăn đang bị tồn kho.
Cả trăm tấn thức ăn gia súc chất đống trong kho, khách hàng thưa thớt đó là những hình ảnh tại Công ty TNHH Tình Chương ở thôn Nam Lý, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) trong những ngày gần đây.
Chị Lê Thị Tình - Giám đốc Công ty, cho biết: Trước đây, mỗi tháng, công ty bán ra thị trường khoảng 300 - 400 tấn thức ăn chăn nuôi gia súc với gần 20 lao động làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian qua, dịch bệnh trên đàn lợn xẩy ra thường xuyên, rồi đến “bão” giá và gần đây nhất, người dân quay lưng với thịt lợn trước dịch tả lợn châu Phi làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đại lý.
Chăn nuôi gặp khó kéo theo các đại lý thức ăn bị ảnh hưởng, lượng hàng bán ra giảm sút so với thời cao điểm hơn 70%.
“Bây giờ, mỗi tháng, công ty chỉ tiêu thụ được khoảng 20 tấn. Doanh thu thấp, buộc chúng tôi phải cắt giảm nhân lực chứ không đủ tiền trang trải, trả lương nhân công. Hiện, công ty chỉ còn 5 lao động phải kiêm thêm nhiều việc, thu nhập bị cắt giảm. Trong khi đó, người chăn nuôi thua lỗ nợ tiền thức ăn của công ty cả tỷ đồng không biết khi nào có trả...” - chị Tình chia sẻ.
Đại lý cấp 1 Minh Cường chuyên kinh doanh thức ăn gia súc (xã Thạch Tân, Thạch Hà) cũng lao đao bởi đầu ra gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Cường - chủ đại lý cho biết: Sau khi thoát khỏi cơn “bão” giá, dịch bệnh lở mồm long móng, chăn nuôi lợn bắt đầu trở lại ổn định, anh đã vay mượn tiền ngân hàng nhập về cả trăm tấn thức ăn gia súc để cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Thế nhưng, hàng tiêu thụ khó, cộng với lãi suất ngân hàng nên hiện nợ chồng thêm nợ.
Không bán được lợn, giá giảm sâu, nhiều người chăn nuôi buộc phải nợ tiền thức ăn của các đại lý
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân Nguyễn Văn Ninh cho hay: Do vấn đề tiêu thụ khó khăn, người dân không dám tái đàn. Hiện tổng đàn lợn tại địa phương đã giảm hẳn so với trước khoảng hơn 50%. Thực trạng trên, kéo theo 5 đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc trên địa bàn bị ảnh hưởng, kinh doanh bị ngừng trệ. Chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ dân không có khả năng trả nợ tiền thức ăn cho các đại lý.
Sau khi mua lợn giống về, anh Nguyễn Văn Lương (thôn Liên Phố, xã Thạch Hội, Thạch Hà) được đại lý chăn nuôi cho nợ tiền thức ăn. Nuôi vỗ béo đến khi đàn lợn xuất chuồng bán xong anh mới phải trả. Hiện tại, trong chuồng của anh đang còn hơn 10 con lợn nhưng khó tiêu thụ. Vì vậy, anh đang mắc nợ tiền thức ăn của đại lý gần 30 triệu đồng.
Nhiều đại lý kinh doanh thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt.
Thực trạng trên ảnh hưởng chung đến hàng trăm đại lý chăn nuôi thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh. Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Tĩnh, vốn đọng lại trong dân không lấy được, trong khi thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất thì thường phải thanh toán ngay khi nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần. Do phải vay vốn để tiếp tục kinh doanh, một số đại lý đành phải khoanh nợ và không bán chịu thức ăn chăn nuôi nữa.