Một chốt kiểm dịch tại Hàn Quốc. (Ảnh: ID4D
Từ ngày 24/10, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp hấp cấp COVID-19 ở châu Á đã vượt quá 10 triệu người, trở thành khu vực đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc COVID-19, chỉ sau khu vực Mỹ Latinh.
Đến chiều 25/10, theo trang thống kê worldometers.info, với trên 13 triệu ca mắc, châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 43 triệu người nhiễm virus SARS CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu. Với hơn 233.000 người tử vong, châu Á chiếm khoảng 21% tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu.
Theo phân tích của hãng Reuters, khu vực Nam Á đứng đầu là Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 khi ghi nhận gần 21% tổng số ca mắc toàn cầu và số ca tử vong chiếm 12%. Tính trung bình trong 1 tuần, Ấn Độ ghi nhận hơn 57.000 trường hợp nhiễm virus mỗi ngày, với 58 ca nhiễm mới trên 10.000 dân ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Tuy nhiên, các ca nhiễm tại quốc gia Nam Á đang có chiều hướng giảm.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết sáng 25/10, nước này ghi nhận 50.129 ca trong 24 giờ qua. Hiện tổng số người mắc COVID-19 ở nước này là hơn 7,86 triệu, trong đó có 118.534 trường hợp tử vong, tăng thêm 578 ca so với 1 ngày trước đó. Tỷ lệ tử vong do căn bệnh này tại Ấn Độ tiếp tục giảm xuống còn 1,51%. Có đến 7,07 triệu người đã khỏi bệnh (đạt tỷ lệ phục hồi 90%) và hiện còn 668.154 ca dương tính.
Theo Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), đến nay nước này đã thực hiện tổng cộng hơn 102,52 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có 1,14 triệu lượt trong ngày 24/10.
Tại Đông Nam Á, số liệu chính thức do Bộ Y tế Indonesia công bố cho thấy nước này ghi nhận thêm 3.732 ca mắc mới cũng trong ngày 25/10, nâng tổng số ca mắc lên 389.712 ca. Số ca tử vong tại nước này tăng thêm 94 ca lên 13.299 ca. Trong một tuyên bố trước đó, chính quyền thành phố Jakarta cho biết sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 8/11 tới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuần trước, Indonesia đã vượt Philippines, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, một số nước châu Á như Trung Quốc đã dập được dịch, hay Nhật Bản, nơi COVID-19 vẫn tồn tại nhưng không tăng số ca lây nhiễm.
Mặc dù số ca mắc đã vượt con số 10 triệu, song trong những tuần gần đây, châu Á nhìn chung được đánh giá đã có sự cải thiện trong việc xử lý đại dịch, với số ca nhiễm hằng ngày tăng chậm lại ở những nơi như Ấn Độ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, sau Mỹ. Đây là một sự tương phản rõ rệt với số ca COVID-19 tăng cao trở lại ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tháng 9 vừa qua, các chuyên gia dự báo tổng số ca nhiễm virus SARS CoV-2 tại Ấn Độ sẽ vượt Mỹ vào cuối tháng 10 này.
Tuy nhiên, Mỹ hiện được cho là đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba. Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ phát hiện tới hơn 79.000 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân lên trên 8,82 triệu người. Trong khi đó, châu Âu đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.