Trong cuộc họp báo, Marco Cavaleri - giám đốc chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), cho biết mặc dù chủ yếu tập trung vào biến chủng Delta, EMA “cũng đang xem xét những biến chủng khác có thể đang lây lan rộng như Lambda, hay gần đây hơn là Mu”.
Bệnh nhân Covid-19 tại phòng điều trị tích cực trong một bệnh viện ở Saint-Denis, gần thủ đô Paris của Pháp, hôm 4/5. Ảnh: Reuters.
“Biến chủng Mu đang tiềm ẩn nhiều lo ngại hơn, do nó có nguy cơ mang khả năng thoát miễn dịch cao hơn”, Calaveri cho hay, nói thêm rằng EMA, cơ quan phụ trách đánh giá dược phẩm cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), sẽ thảo luận với các nhà phát triển vaccine về hiệu quả chống biến chủng Mu của những loại vaccine Covid-19 hiện nay.
“Tuy nhiên, tôi phải nói rằng chúng tôi chưa có dữ liệu chứng minh biến chủng Mu đang lan rộng đến mức đó, cũng như liệu nó có bất kỳ cơ hội nào lấn lướt Delta để trở thành chủng trội hay không”, Calaveri nói.
Biến chủng Mu, được phát hiện lần đầu tiên tại Colombia vào tháng một và có tên khoa học là B.1.621, hồi đầu tháng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách “biến chủng đáng quan tâm”. Các quốc gia Nam Mỹ khác, cùng Mỹ và châu Âu, cũng ghi nhận biến chủng này. Trong khi đó, Delta được xác định là “biến chủng đáng lo ngại” và đã xuất hiện ở 170 quốc gia.
Mọi loại virus, bao gồm nCoV, đều biến đổi theo thời gian. Hầu hết đột biến có ít hoặc không ảnh hưởng đến những đặc tính của virus. Tuy nhiên, một số đột biến có thể khiến virus trở nên dễ lây lan hơn, hoặc làm trầm trọng căn bệnh mà virus gây ra, hay tác động đến khả năng kháng vaccine của virus.