Kenenisa Bekele, Birhanu Legese, Leul Gebrselassie và Sisay Lemma được mô tả là những chân chạy mạnh nhất của Ethiopia trước thềm Berlin Marathon ở thủ đô nước Đức.
“Điều đó mang lại động lực cho chúng tôi để chúng tôi thử thách bản thân ở cấp độ này”, Legese nói. “Chúng tôi tập luyện ở các địa điểm khác nhau và gặp nhau lần đầu ở Berlin”.
Kết quả, Bekele, 37 tuổi về nhất marathon nam tại Berlin Marathon với thời gian 2 giờ 1 phút 41 giây. Thông số này chỉ chậm hai giây so với kỷ lục thế giới hiện tại do Eliud Kipchoge, người Kenya, thiết lập năm ngoái. Kipchoge vắng mặt để chuẩn bị cho thử thách chạy marathon dưới 2 giờ ở Vienna, Áo ngày 12/10.
Bekere có phần kém may mắn khi chỉ chậm hai giây so với kỷ lục của Kipchoge. Ảnh: AP.
Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Legese và Lemma.
“Tôi rất tiếc, tôi không may mắn. Nhưng tôi vẫn có thể vượt qua kỷ lục hiện tại. Tôi không bỏ cuộc”, Bekele nói sau giải Berlin Marathon.
Ethiopia còn thống trị marathon nữ với nhà vô địch là Ashete Bekere, 2 giờ 20 phút 14 giây và chậm hơn 7 giây, về nhì là Mare Dibaba. Runner người Kenya Sally Chepyego xếp vị trí tiếp theo.
Bài toán kinh doanh
Có lý do chiến lược cho việc ưu tiên các vận động viên Ethiopia, giám đốc Berlin Marathon Mark Milde giải thích. Khác với những năm trước, ban tổ chức năm nay không kỳ vọng về một kỷ lục thể giới. Năm 2018, Eliud Kipchoge hoàn thành marathon trong 2 giờ 1 phút 39 giây, nâng kỷ lục thế giới thêm hơn 1 phút.
“Rất khó để vượt qua thành tích năm ngoái. Đó là lý do chúng tôi thay đổi trọng tâm”.
Nhằm làm cuộc đua thu hút người hâm mộ hơn, ban tổ chức Berlin Marathon chú trọng vào sự sôi nổi ở nhóm dẫn đầu, lý tưởng nhất là cho tới khi về đích.
“Để làm vậy, chúng tôi tìm kiếm các runner có thể hoàn thành marathon trong thời gian từ 2 giờ 3 phút đến 2 giờ 5 phút. Năm nay, điều đó đồng nghĩa sẽ có nhiều runner Ethiopia”, theo Milde.
Sự hiện diện của các runner châu Phi, nhất là từ Kenya và Ethiopia, được xem là thước đo cho thành công ở các giải marathon lớn. Ảnh: Sportograf.
"Châu Phi đang thống trị thế giới marathon", trang tin World’s Marathon nhận định. Những chân chạy châu Phi, đặc biệt là Kenya và Ethiopia ở Đông Phi, chiến thắng gần như mọi giải marathon trên thế giới trong năm thập kỷ qua, kể từ Olympic Mexico City năm 1969. Bên cạnh tốc độ trung bình vượt xa các VĐV khác, họ còn có thể chạy nước rút về đích nhanh đáng kinh ngạc.
Berlin Marathon là một trong sáu giải marathon danh giá nhất thế giới, thuộc hệ thống World Marathon Majors (WMM), bên cạnh các giải Boston Marathon, Chicago Marathon, New York City Marathon, London Marathon và Tokyo Marathon. Mỗi mùa giải kéo dài trong hai năm và mùa giải tiếp theo bắt đầu khi mùa giải trước đi được nửa chặng đường.
11 mùa giải đã diễn ra kể từ mùa giải đầu tiên 2006 – 2007. Trong số này, Kenya đứng đầu mười mùa giải, Ethiopia đứng đầu mùa giải VII 2012 – 2013.
Bí quyết của các chân chạy Đông Phi
Sức bền có thể là vũ khí bí mật của các chân chạy Đông Phi. Để vô địch một giải marathon, VĐV cần có năng lượng để đánh bại những đối thủ còn lại trước vạch đích, thường là vài kilomet cuối - quãng đường quyết định thành bại. Thông thường, người về nhất luôn nằm trong nhóm runner bứt lên dẫn đầu ở mốc kilomet thứ 30.
Tại những kilomet cuối, cơ thể của họ chuyển sang chế độ “tự lái”. Tất cả, từ nỗ lực tập luyện, dinh dưỡng đến đặc tính gene, sẽ bộc lộ. Runner Đông Phi thường có mắt cá chân mỏng và bắp chân gầy hơn. Họ sống tại những nơi cao so với mực nước biển, điều kiện lý tưởng để giúp cải thiện sức bền.
Bên cạnh đó, họ còn có động lực để phấn đấu. Chạy bộ có thể mang lại cuộc sống tốt hơn, người chạy nhanh hơn sẽ có kinh tế tốt hơn. Cùng với hàng thế kỷ tiến hóa, những yếu tố trên đã tạo ra những VĐV có sức bền cực cao.
Đặc điểm nhân học, điều kiện khí hậu địa lý là những lợi thế bẩm sinh của các chân chạy châu Phi. Ảnh: EK.
Tại hầu hết các khu vực ở Đông Phi, tập luyện chạy bộ bắt đầu rất sớm. Trẻ em thường đi bộ trung bình 8 kilomet mỗi ngày. BMI - chỉ số khối cơ thể được tính bằng cân nặng của bạn (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét hoặc cm) - trung bình của những đứa trẻ chỉ khoảng 15,5 - sẽ được coi là bị lạm dụng nếu ở Mỹ. Nhưng chúng lại có ngưỡng yếm khí và Vo2 Max (chỉ số thể hiện khả năng tối đa của cơ thể một người trong chuyển và sử dụng oxy trong khi tập thể dục, đơn vị ml/kg/phút) cao nhất so với các bạn đồng lứa tuổi trên thế giới.
Cơ thể nhẹ nhưng cao, chân dài cũng là lợi thế của những “hạt giống” này.
"Những quân cờ"
Các vận động viên giống như những quân cờ nhằm giúp một giải đấu thêm hấp dẫn. Đây là một chiến lược thường thấy và cũng mang lại lợi ích cho runner.
“Berlin là cơ hội đối với tôi. Nếu tôi chạy tốt ở đây, kết quả sẽ tác động đến những cuộc đua trong tương lai”, Legese cho biết. Giá trị của một VĐV được tính toán bằng thời gian và thứ hạng. Thành tích càng tốt, người quản lý và VĐV càng có cơ sở yêu cầu tăng tiền tài trợ.
“Nếu là vì giải thưởng, Berlin không phải lúc nào cũng là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, về thành tích cá nhân, khó có cung đường nào runner có thể chạy nhanh hơn ở Berlin”, Gerard van de Veen, một trong những nhà quản lý hàng đầu trong giới chạy bộ, lý giải. Thông qua công ty Volare Sports, ông quản lý nhiều vận động viên ưu tú như các nhà vô địch Berlin Marathon Geoffrey Mutai (năm 2012), Wilson Kipsang (năm 2013) và Dennis Kimetto (năm 2014).
Sự hiện diện của những ông bầu như Van de Veen giúp các VĐV châu Phi tập trung vào thi đấu, qua đó đạt thành tích tốt hơn và cải thiện thu nhập mà không phải bận tâm đến các yếu tố thương mại, tài trợ. Ảnh: Twitter.
Nhà quản lý 66 tuổi cùng nhóm của ông không chỉ thương thảo hợp đồng cho runner. Họ còn đảm bảo họ có thể thoải mái tập trung vào chạy bộ. Họ sắp xếp các chuyến bay, khách sạn, visa, địa điểm và người dẫn tốc để cùng tập luyện, quảng bá thương hiệu.
Đổi lại, Volare Sports sẽ lấy một phần thu nhập, thông thường là 15%. Để có hiệu quả, việc phân bổ thi đấu phải được lên kế hoạch cẩn thận. “Chúng tôi chỉ làm với sự nhất trí từ các VĐV”, Van de Veen đảm bảo.
Tại châu Phi, Volare Sport có mạng lưới chiêu mộ và huấn luyện rộng lớn, nhưng Van de Veen vẫn thích tự tìm kiếm tài năng hơn.
“Bạn phải công nhận tài năng đó. Tôi thấy Geoffrey Mutai trong một giải đua dành cho thanh niên ở Kenya. Cậu ấy về nhì. Tôi được khuyên ký hợp đồng với người thắng cuộc, nhưng tôi chỉ muốn Mutai. Cậu ấy có cách chạy độc đáo. Mutai sau đó thắng cả ba giải Boston Marathon, New York City Marathon và Berlin Marathon”, nhà quản lý này kể lại.
Danh sách các runner thành công do Van de Veen quản lý rất dài. Với nhiều người, chạy bộ đủ để họ sinh sống, nhưng không đủ để có một tương lai vô lo. Van de Veen nhận thấy có rủi ro nếu họ gặp phải những cố vấn hoặc bác sĩ lợi dụng hoàn cảnh của runner.
“Chúng tôi ở châu Âu. Runner ở châu Phi. Chúng tôi không thể theo dõi họ 24 giờ mỗi ngày”.
Cố vấn thường cam kết chi thêm tiền, còn bác sĩ hứa hẹn thành tích tốt hơn.
Ý thức chuyên nghiệp được cải thiện giúp các VĐV châu Phi tập trung vào việc tập luyện, nâng cao thành tích bằng thực thực, thay vì tìm đến chất kích thích. Ảnh: AFP.
“Tại châu Phi, các loại thuốc kích thích như EPO rất dễ tìm được. Có những bác sĩ cung cấp chúng cho runner”, van de Veen giải thích. Ông thường liên tục cập nhật tình hình các VĐV và cảnh báo họ.
“Họ hiểu rằng doping sẽ đặt dấu chấm hết cho hợp đồng, thậm chí là cả sự nghiệp”.
"Đế chế châu Phi" sẽ tồn tại bao lâu
Sự kết hợp giữa tiến hóa và thói quen đã giúp runner Đông Phi thống trị marathon. Tại những khu vực khác trên thế giới, BMI đang ngày càng tăng, đồng nghĩa họ rất khó sớm lật đổ ‘đế chế châu Phi’ trong marathon. Tuy nhiên, “lục địa đen” cũng mang lại nhiều kiến thức để các runner trên thế giới ăn uống, tập luyện tốt hơn, tự phá kỷ lục cá nhân.