Chiến lược nào để có đủ nguồn cung vaccine Covid-19 cho tất cả 90 triệu dân?

Các ca dương tính với Covid-19 tiếp tục gia tăng ở Việt Nam. Tiêm vaccine là chiến lược chống dịch lâu dài và hiệu quả, góp phần quan trọng tạo nên miễn dịch cộng đồng.

Toàn cảnh quá trình đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19

Tính đến tháng 4 năm nay, toàn thế giới có 14 loại vaccine được ít nhất một cơ quan quản lý quốc gia cho phép sử dụng rộng rãi. “Bao giờ tất cả người dân Việt Nam được tiêm vaccine Covid-19?” là mối quan tâm của rất nhiều người lúc này. Đặc biệt là sau khi đợt 4 dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Về chủ trương chung, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản đồng ý mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho nhân dân. Kinh phí mua, vận chuyển, bảo quản, sử dụng chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Chiến lược nào để có đủ nguồn cung vaccine Covid-19 cho tất cả 90 triệu dân?

Dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu bên cạnh các giải pháp chống dịch hiệu quả thì cần kiên quyết thực hiện chiến lược vaccine, đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vaccine; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị quyết số 09 về việc mua vaccine phòng Covid-19. Thế nhưng, trong bối cảnh toàn thế giới đều khát vaccine, cầu vượt nhiều lần so với cung thì việc lo đủ nguồn cung vaccine Covid-19 lúc này là một thách thức rất lớn.

Quá trình đàm phán mua vaccine của Bộ Y tế

1. COVAX Faclility tài trợ ( 38,9 triệu liều)

- Quý 3/2020, Bộ Y tế chủ động đàm phán, chuẩn bị các điều kiện theo yêu cầu của COVAX.

- Tháng 9/2020, COVAX phê duyệt Việt Nam được tài trợ vaccine trong năm 2021 cho 20% dân số, khoảng 38.9 triệu liều.

- Tháng 4/2021, Bộ Y tế đã đăng ký mua 10 triệu liều vaccine của COVAX Facility theo cơ chế chia sẻ chi phí.

2. Vaccine do AstraZeneca sản xuất (30 triệu liều)

- Tháng 10/2020, Bộ Y tế đàm phán với Tập đoàn AstraZeneca về việc mua 31 triệu liều vaccine của hãng khi đang thử nghiệm lâm sàng. Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) là đối tác được AZ lựa chọn để ký hợp đồng.

- Tháng 2/2021, lô hàng thứ nhất về Việt Nam

- Tháng 5/202, Lô hàng thứ hai về Việt Nam

3. Vaccine của Pfizer/BioNTech (31 triệu liều)

- Tháng 10/2020, Bộ Y tế làm việc với Pfizer về việc mua 31 triệu liều vaccine của hãng khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng.

- Tháng 5/2021 Bộ Y tế ký hợp đồng mua vaccine; tiến độ cung ứng

Quý 3/2021: 15,5 triệu liều

Quý 4/2021: 15,5 triệu liều

Bộ Y tế mới đây cũng đăng ký với hãng Pfizer/BioNTech để mua thêm 20 triệu liều.

4. Vaccine của Moderna (5 triệu liều)

- Tháng 3/2021, Bộ Y tế đã đàm phán trực tiếp, tuy nhiên hãng không có vaccine cung cấp trong năm 2021.

- Tháng 5/2021, Hãng đã ủy quyền cho Zuellig Pharma phân phối khoảng 5 triệu liều cho Việt Nam; TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị được mua vaccine này.

5. Vaccine của Nga (20 triệu liều Sputnik V)

- Ngày 2/6/2021, Bộ Y tế đã đàm phán trực tiếp và đạt thỏa thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm 2021.

Thời điểm vaccine Covid-19 bắt đầu được tiêm mũi đại trà đầu tiên là vào tháng 12/2020. Trước đó, cuộc chạy đua giữa các nước để sớm có vaccine Covid-19 đã diễn ra ngay từ quý I/2020, thời điểm thế giới bắt đầu tiến hành các bước nghiên cứu, thử nghiệm, tiến tới cho phép lưu hành và sản xuất vaccine Covid-19.

Một số người đặt câu hỏi: liệu có phải Việt Nam chống dịch Covid-19 rất tốt nhưng lại tiếp cận vaccine COVID- 19 muộn hơn so với nhiều nước khiến việc triển khai tiêm vaccine bị chậm trễ hay không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định: "Thứ nhất, chương trình COVAX Facility của thế giới, UNICEF và một số tổ chức tài trợ, chúng ta tích cực hợp tác với các tổ chức này và được cam kết hỗ trợ khoảng 30 triệu liều vaccine Covid-19 nhưng về tiến độ sẽ phụ thuộc và nhu cầu vaccine của các nước có tình hình dịch bệnh nguy cấp hơn Việt Nam. Thứ hai là, khả năng cung cấp vaccine của các nhà sản xuất vaccine trên thế giới. Do chúng ta chống dịch tốt nên chia tỷ lệ thì chúng ta chỉ tiêm được rất thấp.

Chính phủ đốc thúc và Bộ Ngoại giao hỗ trợ tối đa cho Bộ Y tế để mua vaccine sớm nhưng trong tình trạng khan hiếm vaccine, nhiều quốc gia đổ xô mua, nên các nhà sản xuất vaccine đã ra những điều kiện để gần như không đàm phán được. Nói nôm na là các thỏa thuận, các nhà sản xuất ‘nắm đằng chuôi còn bên mua nắm đằng lưỡi’. Do đó, chúng ta động viên các doanh nghiệp, các thành phần có thể tiếp cận được nguồn vaccine để thúc đẩy với mục tiêu có vaccine sớm nhất".

Chiến lược nào để có đủ nguồn cung vaccine Covid-19 cho tất cả 90 triệu dân?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19

Trước thắc mắc tại sao Việt Nam chưa thể có nhiều vaccine, Phó Thủ tướng nhấn mạnh bây giờ là lúc khan hiếm toàn cầu. Việt Nam không hề thiếu kinh phí. Điều đáng nói, Việt Nam nằm trong số các nước phòng chống dịch tốt, chưa được đưa vào các nước được ưu tiên hàng đầu trong phân phối vaccine.

Thành quả đầu tiên từ nỗ lực "tranh mua" vaccine Covid-19

Như vậy có thể thấy Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận vaccine từ rất sớm nhưng trong cuộc chạy đua như Phó Thủ tướng gọi là “tranh mua” vaccine, chắc chắn có nhiều khó khăn. Những nỗ lực để tiếp cận các nguồn vaccine Covid-19 từ sớm không chỉ từ phía Chính phủ. Bằng chứng là một trong những đơn vị chuyên cung cấp vaccine và dịch vụ tiêm chủng của Việt Nam là Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) từ năm ngoái đã chấp nhận rủi ro, mạo hiểm đầu tư lớn để đạt cơ hội đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca về Việt Nam khi vaccine này còn đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Với nỗ lực này, VNVC vừa nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID--19.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc cung ứng Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho hay: "Việc mua vaccine gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải chấp nhận nhiều rủi ro. Đầu tiên, chúng tôi phải đặt cọc số tiền lớn, gần 30 triệu USD. Khi đàm phán mua, vaccine AstraZeneca mới chỉ được nghiên cứu ở giai đoạn 2, chuyển sang giai đoạn 3, chưa khẳng định thành công hay không, nhưng nếu thành công sẽ được ưu tiên mua, không thành công sẽ mất tiền cọc. Ngoài ra, chúng tôi phải chứng minh đáp ứng các tiêu chuẩn và tuân thủ theo nguyên tắc phân phối vaccine.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng có lợi thế như mạng lưới tiêm chủng trải rộng, đạt chuẩn quốc tế; chứng minh được nguồn lực tài chính đảm bảo chi trả sau này. Chúng tôi cũng được Bộ Y tế hỗ trợ với bản ghi nhớ 3 bên để chứng minh năng lực tài chính trong quá trình đàm phán mua vaccine".

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng Việt Nam có đủ vaccine tiêm cho 70% dân số (tương đương 150 triệu liều). Song song với đó, Việt Nam là 1 trong 14 nước trên thế giới đang đang nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19, cũng là một trong số ít quốc gia cùng lúc có 3 đơn vị phát triển vaccine Covid-19 gồm NanoCovax, Covivac và vaccine của công ty Vibeotech. Đặc biệt, Vaccine NanoCovax vừa được Hội đồng đạo đức Quốc gia trong nghiên cứu y, sinh học cho phép thử nghiệm giai đoạn 3 vào tháng 6.

Việt Nam nghiên cứu vaccine Covid-19 đến giai đoạn 3

Sau 3 tháng tiêm 2 mũi vaccine Nanocovax, sức khỏe của 2 trong số gần 600 người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vaccine Nanocovax phòng Covid-19 đều bình thường và kết quả xét nghiệm cho thấy trong máu đã xuất hiện kháng thể đối với SARS-Cov-2.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax trên gần 600 người tình nguyện, sau 3 tháng thử nghiệm cho thấy đảm bảo độ an toàn có khả năng sinh miễn dịch và trung hòa đối với chủng virus Vũ Hán và chủng virus Anh.

Vì vậy, dù chưa hết thời gian thử nghiệm giai đoạn 2, nhưng kết quả thử nghiệm đã đạt được những yêu cầu đề ra. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất với Hội đồng đạo đức Quốc gia để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Trung tướng GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y nhấn mạnh: “Chúng tôi cho rằng kết quả đã báo cáo Hội đồng y đức đây là vaccine an toàn, không bị sốc phản vệ và thời gian tự hồi phục thì có thể chỉ 1 ngày, 3 ngày hoặc 5 ngày. Như thế, so với các vaccine, như thế là của chúng tôi đánh giá là an toàn. Phần thứ hai là tính sinh miễn dịch chỉ thể hiện là nồng độ kháng thể sau khi tiêm so với thời điểm trước khi bắt đầu tiêm thì đều thấy tới ngưỡng”.

Trong khi đó, GS. TS Trương Việt Dũng - Chủ tịch Hội Đồng đạo đức Quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cho hay: "Với tính chất là gối đầu với giai đoạn 2, đây là một phương pháp nghiên cứu vaccine mà trên thế giới người ta đang áp dụng thiết kế thích ứng, nghĩa là từng giai đoạn có những điều chỉnh theo kết quả nghiên cứu và tùy theo tình hình thực tế người ta sẽ điều chỉnh. Theo đó, giai đoạn 2 đang làm nhưng đã xem xét đề cương của giai đoạn 3.

Trong giai đoạn 3, vaccine Nanocovax sẽ thử nghiệm tại 10 tỉnh, thành phố với khoảng 13.000 tình nguyện viên, trong đó 1/3 là giải dược. Học viện Quân y phụ trách ở khu vực miền Bắc, khu vực phía Nam là Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm".

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng

Thông báo kết quả quá trình nghiên cứu vaccine cho tới thời điểm này, Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết cho biết: "Về tính an toàn, vaccine đạt tính an toàn trên người tình nguyện. Về tác dụng không mong muốn sau tiêm chủng, chủ yếu ở độ 1, không ảnh hưởng đến hoạt động trong ngày, không phải dùng thuốc và tự hết trong 3-5 ngày, không có sốc phản vệ.

Về tính sinh miễn dịch, sau tiêm, các tình nguyện viên đã có kháng thể chống SARS-CoV-2, hàm lượng kháng thể tăng dần theo thời gian. Hiệu giá kháng thể trước và sau tiêm đều đạt hiệu quả, đặc biệt là các xét nghiệm về đánh giá khả năng trung hòa virus đạt kết quả tốt.

Về xác định liều tối ưu, chúng ta đã chọn được liều 25 microgram là liều dự kiến cho giai đoạn 3. Như vậy, các kết quả nghiên cứu cho thấy, vaccine Nano Covax của Việt Nam an toàn, có khả năng sinh miễn dịch và liều 25 microgram là liều được lựa chọn cho giai đoạn 3 ".

Hi vọng rằng, vaccine Nanocovax cũng như các vaccine Covid-19 khác đang được nghiên cứu tại Việt Nam sẽ thử nghiệm thành công ở cả 3 giai đoạn và được cấp phép lưu hành trong thời gian không xa. Việc Việt Nam có thể nghiên cứu và sản xuất vaccine này, như đã phân tích ở trên, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh y tế nói chung và an ninh vaccine nói riêng cho đất nước, giúp chúng ta phần nào chủ động về nguồn cung vaccine Covid-19 trong tương lai.

Chiến lược nào để có đủ nguồn cung vaccine Covid-19 cho tất cả 90 triệu dân?

Nhập khẩu vaccine và tự chủ nguồn vaccine để làm chủ trong cuộc chiến chống Covid-19

Tính tới ngày 3/6, đã có khoảng 2,1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Với khoảng 80% người dân đã được tiêm vaccine, Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm vaccine. Tiếp đến là Canada với 59% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi, Anh với 58,3% và Mỹ là 51%.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiêm mũi thứ hai vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. Trong đoạn video do Văn phòng Thủ tướng Anh đăng tải trên Twitter, ông Johnson cho biết, ông “không cảm thấy có bất kỳ vấn đề gì” sau khi tiêm.

Hiện có 6 quốc gia trên thế giới vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng, trong đó có Haiti, Tanzania......

Một điều đáng lưu ý là tại một số quốc gia, mặc dù tỉ lệ người dân tiêm vaccine COVID- 19 ở mức cao nhưng vẫn ghi nhận đợt tái bùng phát dịch. Thế giới cũng ghi nhận các trường hợp vẫn mắc Covid-19 sau tiêm vaccine. Điều này đặt ra một số vấn đề cho giới nghiên cứu: Thứ nhất là cần đánh giá hiệu quả từng loại vaccine sử dụng ở mỗi nước. Thứ hai là phải duy trì các biện pháp chống dịch song song với tiêm vaccine để đảm bảo giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

TS. Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương bày tỏ "Bằng chứng hiện nay cho thấy vaccine Covid-19 hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh, nhưng chúng ta vẫn chưa biết liệu vaccine có thể phòng ngừa nhiễm virus hay không. Điều này có nghĩa là khi được tiêm vaccine sẽ ngăn chặn việc bạn bị bệnh nhưng có thể vaccine không ngăn chặn được việc bạn làm lây virus sang người khác. Tương tự, trong khi vaccine mới này đầy hứa hẹn nhưng không một loại vaccine nào đạt hiệu quả 100%. Do đó, thậm chí khi vaccine đã được tiêm chủng đại trà thì chúng ta vẫn phải duy trì tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiệu quả khác nhằm ngăn chặn sự lây truyền Covid-19.

Tại các quốc gia dịch bệnh đang bùng phát và lây truyền trong cộng đồng thì việc duy trì quy định giãn cách xã hội, vệ sinh tay, nghỉ tại nhà khi ốm, tránh tiếp xúc nơi đông người - các hành vi chúng ta khuyến khích thực hiện trong năm qua - vẫn phải được duy trì. Đáng chú ý, ngay tại các nước đã khống chế hoặc kiểm soát tốt sự lây truyền Covid-19, thì vẫn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong tương lai. Chúng ta cần tiếp tục chuẩn bị cho tình huống này, và sẵn sàng kích hoạt các biện pháp ứng phó khi cần.

Sau khi tiêm vaccine vẫn cần đàm bảo các yêu cầu phòng chống Covid-19 để tránh tái bùng phát dịch bệnh.

Cho dù số người được tiêm phòng Covid-19 tăng lên chúng ta cũng không được lơ là, mất cảnh giác. Chúng ta đều biết là mọi người, mọi nơi đã rất mệt mỏi với đại dịch nhưng không quốc gia nào an toàn cho tới khi mọi quốc gia được an toàn. Cho tới khi phần lớn dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng thì chúng ta vẫn phải áp dụng hoặc sẵn sàng áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của COVID--19.

Chúng tôi khuyến khích người dân Việt Nam tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương, và suy nghĩ về những hành động mà cá nhân mình có thể thực hiện được nhằm mang lại lợi ích chung vì sức khỏe cộng đồng. Từng cá nhân, từng cộng đồng ở mọi quốc gia đều có tác động mạnh mẽ tới tiến trình khi nào đại dịch kết thúc".

TS. Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương trong bài viết của mình cũng khuyến cáo người dân Việt Nam tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương, và suy nghĩ về những hành động mà cá nhân mình có thể thực hiện được nhằm mang lại lợi ích chung vì sức khỏe cộng đồng. Từng cá nhân, từng cộng đồng ở mọi quốc gia đều có tác động mạnh mẽ tới tiến trình khi nào đại dịch kết thúc. Nói cách khác, chiến lược vaccine chỉ có thể thành công khi chúng ta kết hợp chặt chẽ giữa tiêm chủng với các giải pháp 5K, đảm bảo an toàn phòng dịch cho bản thân và cộng đồng.

Có thể nói, chiến lược vaccine là một trong những khâu quan trọng có tính chất quyết định trong cuộc chiến dài lâu chống lại virus SARS-CoV-2 nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung. Trong đó, việc nhập khẩu vaccine chỉ là một phần của chiến lược. Phần quan trọng không kém là đảm bảo tự chủ về vaccine, tức là chủ động chủ động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine nội địa. Chỉ như vậy, Việt Nam mới thực sự làm chủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Theo VTV

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.