Chủ nhà ở kết hợp kinh doanh nâng cấp độ phòng cháy, chữa cháy

(Baohatinh.vn) - Chủ các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy chữa cháy nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Thời gian qua, trên cả nước, tình hình cháy nổ xảy ra liên tiếp, diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Gần đây nhất là các vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/6/2024 tại phường Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) làm 4 người chết; vụ cháy nhà ở cho thuê trọ xảy ra vào ngày 24/5/2024 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người chết...

Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, quy hoạch thiếu đồng bộ; chính quyền địa phương buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý; nhận thức, ý thức của bộ phận người dân về công tác PCCC còn hạn chế; vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng…

Tại Hà Tĩnh, ngày 21/6, cửa hàng kinh doanh dịch vụ giải khát MIXUE (đường Phan Đình Giót, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) bốc cháy trong đêm. Dù không gây thiệt hại về người, tuy nhiên, vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ đồ đạc bên trong cửa hàng.

chay2.jpg
Vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh dịch vụ giải khát MIXUE đường Phan Đình Giót (TP. Hà Tĩnh) ngày 21/6 gây nhiều thiệt hại về tài sản. (Ảnh: Sĩ Hoàng)

Theo nội dung Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do địa phương đã ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu không thực hiện sẽ phải dừng hoạt động.

Ghi nhận của PV tại Hà Tĩnh, nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã chủ động trong việc trang bị các phương tiện PCCC nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong mọi tình huống.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích – chủ cơ sở kinh doanh đồ thờ Hoa Lan trên đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mặt hàng đồ thờ chủ yếu là các sản phẩm từ gỗ nên rất dễ cháy. Hơn 20 năm kinh doanh, gia đình tôi luôn tuân thủ các quy định về PCCC, chủ động trang bị các dụng cụ như: bình chữa cháy xách tay, bộ nội quy, tiêu lệnh chữa cháy… Các thành viên trong gia đình, nhân viên cũng được hướng dẫn sử dụng, tăng cường sự chủ động khi có sự cố xảy ra”.

B1.png
Chủ cửa hàng sửa chữa xe Phương Huế trang bị bình chữa cháy xách tay, cam kết thực hiện các điều kiện về an toàn PCCC.

Tương tự, tại cửa hàng sửa chữa xe máy Phương Huế (đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh), chủ cơ sở bày tỏ sự đồng tình trong việc thắt chặt quản lý về PCCC tại các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. “Hơn 3 năm làm nghề sửa chữa xe máy, xe máy điện, tôi ý thức được mặt hàng, sản phẩm của mình rất dễ cháy. Do vậy, khi được cán bộ Công an phường tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã thực hiện cam kết về quy định PCCC” – anh Nguyễn Đức Phương (chủ cửa hàng sửa chữa xe máy Phương Huế) cho hay.

Không chỉ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC&CNCH, nhiều chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Tĩnh còn có cách làm hay, giải pháp sáng tạo trong việc đảm bảo an toàn PCCC.

B2.png
Bà Nguyễn Thị Diệp thường xuyên bố trí hàng hoá gọn gàng, đảm bảo an toàn PCCC.

Bà Nguyễn Thị Diệp – chủ cửa hàng tạp hoá Diệp Trung (đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Với chiều dài nhà 17m, gia đình tôi bố trí nguồn điện sinh hoạt và nguồn điện sử dụng cho cửa hàng riêng biệt; sử dụng cầu dao điện tự ngắt. Do vậy, tình trạng cháy nổ do điện xảy ra sẽ được kiểm soát, hạn chế tối đa rủi ro”.

Được biết, bà Diệp còn trang bị thêm dụng cụ phá dỡ để ở nơi dễ thấy trong cửa hàng, cài đặt App báo cháy 114, mở thêm các lối thoát nạn… Đặc biệt, tại khu vực bên trong cửa hàng, hàng hoá được bố trí gọn gàng, tách biệt với các thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh Hà Tĩnh) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn. Những hoạt động này góp phần không nhỏ trong việc nâng cao kỹ năng xử lý tình huống của người dân cũng như sử dụng các vật dụng, thiết bị PCCC. Sự chủ động của người dân, chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh góp phần nâng cao ý thức, giữ an toàn cho cá nhân và xã hội, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi có hỏa hoạn xảy ra.

P1.jpg
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC.

Thượng tá Võ Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, công tác tuyên truyền, kiểm tra các quy định về an toàn PCCC đối với các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh được giao cho công an cấp huyện tổ chức thực hiện. Đối với các nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cần đảm bảo các quy định về an toàn PCCC gồm: nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Bên cạnh đó, cần có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, điều kiện an toàn về PCCC phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.
Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.
Nợ nần sinh lừa đảo

Nợ nần sinh lừa đảo

Do nợ nần trong làm ăn, Nguyễn Văn Đức (trú huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền của 2 bị hại trên địa bàn hơn 1 tỷ đồng. Đức như chết lặng khi nghe HĐXX tuyên án.