Chủ tịch Hồ Chí Minh - yêu nước nồng nàn từ hiểu thấu tình dân

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi”(1); “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(2); “Tôi chính là tôi ngày trước: một người yêu nước” (3).

Kết hợp giá trị truyền thống với sức mạnh thời đại

Với sự thông tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ về truyền thống dân tộc (trong đó nổi bật là truyền thống yêu nước luôn tiềm tàng trong mỗi người dân) và Người đã luôn đứng trên lập trường ấy dưới các cách thức khác nhau. Người cũng đã sớm nhìn nhận đặc điểm dân tộc, tính cách và truyền thống để tiếp thu, vận dụng linh hoạt ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - yêu nước nồng nàn từ hiểu thấu tình dân

Bác Hồ trong dịp đến thăm hỏi thầy và trò một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Chủ nghĩa Cộng sản do Mác - Ăng-ghen sáng lập, Lê-nin kế thừa và phát huy, dựa trên cơ sở học thuyết thặng dư và lý luận về đấu tranh giai cấp, áp dụng trước hết cho chính quốc. Mác cũng nói, cách mạng ở các nước thuộc địa chỉ thành công khi đấu tranh giai cấp ở các nước tư bản đã hoàn thành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở hiểu thấu truyền thống yêu nước và lòng căm phẫn của hết thảy các giai tầng (nông dân, công nhân, tư sản, tiểu tư sản, địa chủ) trước nỗi nhục mất nước cùng vấn đề thuộc địa (khác với phương Tây) nên đã nhìn nhận: yêu cầu bức thiết nhất, trước nhất của xã hội thuộc địa là phải tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc chứ chưa phải là đấu tranh giai cấp. Người chỉ rõ, thực chất của vấn đề dân tộc ở thuộc địa là vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Người cũng đưa ra quan điểm xuyên suốt cho cách mạng ở Việt Nam: giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Yêu nước từ… hiểu dân

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phương Tây coi trọng cá nhân, cá nhân là trung tâm luận, người Việt và Á Đông lại trọng cộng đồng, gia tộc. Vì coi trọng cộng đồng (theo quy mô: làng, liên làng, nước) nên người Việt xem tham gia cách mạng cũng là thể hiện nhân cách vì cộng đồng.

Điều này lý giải tại sao ở Việt Nam lại có những bà mẹ như Mẹ Thứ hy sinh 10 người con cho cách mạng, hàng vạn người tình nguyện ra chiến trường dẫu biết có thể sẽ hy sinh…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từ quan điểm nhìn nhận ấy đã đưa ra quan điểm: làm chính trị là thực hành đạo đức, “Học chủ nghĩa Mác - Lê-nin để sống với nhau có nghĩa, có tình”. Cũng vì vậy, Người đã âm thầm cắt dán trên một ngàn tấm gương “người tốt, việc tốt” để giáo dục cán bộ, nhân dân.

Ngày nay, Đảng ta triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cũng là tiếp nối, phát triển trên tinh thần căn bản ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - yêu nước nồng nàn từ hiểu thấu tình dân

Hồ Chủ tịch tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958). Ảnh tư liệu

Từ lòng yêu nước nồng nàn của Nhân dân mà hai kẻ thù là Pháp và Mỹ phải đầu hàng một dân tộc nhỏ bé, nền kinh tế yếu kém, lạc hậu. Đành rằng, chỉ có Đảng Cộng sản lãnh đạo, cách mạng mới thành công. Nhưng, yếu tố quan trọng để biến sự lãnh đạo của Đảng thành sức mạnh quật khởi ấy là tinh thần dân tộc, là chiều sâu tâm thức yêu nước trong mỗi người Việt Nam.

Tinh thần ấy, rất rõ trong lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”; “Địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta”…

Mỹ không thể hiểu vì sao một cường quốc đứng đầu thế giới, vũ khí tối tân lại thua trận tại Việt Nam trong khi Mỹ rất hiểu chế độ Cộng sản. Điều ấy có thể lý giải, Việt Nam không chỉ đánh Mỹ bằng lý luận của chủ nghĩa Cộng sản, Đảng dẫn đường mà bằng cả truyền thống lịch sử hàng ngàn năm.

Suốt đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người yêu nước nhiệt thành, phẩm chất cộng sản mẫu mực. Người yêu nước và hiểu tính cách dân tộc đến nỗi thường chuyển hóa kinh sách, lý luận, các tư tưởng thành cách nói dân dã, hàng ngày để cán bộ, nhân dân dễ nắm bắt: “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy” (chủ nghĩa cá nhân); “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền” (đức tính kiên trì); “Ong kia yêu giống thương nòi/ Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi” (về đoàn kết); “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” (tự phê bình); “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” (niềm tin vào ngày mai huy hoàng)… Cũng vì yêu nước, hiểu tình dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành tấm gương của phong cách dân chủ. Hiếm có vị lãnh tụ đất nước nào giản dị, gần gũi như Người. Bởi vậy, dẫu Người đã đi xa hơn 50 năm nhưng Người vẫn như đài sen tỏa hương thơm mãi.

------------

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, tập 5, tr.575

2. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, tr.560

3. Hồ Chí Minh truyện (Trương Niệm Thức dịch), Nxb Tam Liên, Thượng Hải, tháng 6/1949, dẫn theo: Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Nho giáo, http://hoinhavanvietnam.vn.

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Sáng 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Lễ công bố quyết định về việc phân công đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và trao Quyết định của Bộ Chính trị.