UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Thông báo số 183 /TB-UBND ngày 28/5/2021 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 26/5/2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh chiều 26/5.
Chiều ngày 26/5/2021, BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh tổ chức họp soát xét công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sau khi nghe báo cáo của Cơ quan thường trực (Sở Y tế) và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Trưởng BCĐ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh kết luận:
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới tại các địa phương như: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh... Dự báo trong các ngày tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trong cộng đồng tại Hà Tĩnh rất cao. Trước tình hình đó, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung cao hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cụ thể:
Các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3196/UBND-VX1 ngày 25/5/2021 về việc tăng cường rà soát, quản lý người từ vùng có dịch về địa bàn và chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19; Văn bản số 170/TB-UBND ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh thông báo Kết luận của đồng chí Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh;
Đồng thời thực hiện nghiêm các nội dung: tất cả các cơ quan, đơn vị triển khai nghiêm túc, đầy đủ việc thực hiện 5K, tạo mã QR-Code xác nhận đi/đến theo hướng dẫn của ngành Y tế; thần tốc truy vết người về từ vùng dịch, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan; tiếp tục phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc” với phương châm “4 tại chỗ”; siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch; tuyệt đối không để bị động, lúng túng trong phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở y tế.
Đồng ý chủ trương mua thêm 1 hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR cho Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh; mua sắm trang thiết bị phục vụ điều trị tại bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly có bố trí điều trị các ca dương tính không có triệu chứng; mua sắm bổ sung vật tư phòng, chống dịch dự trữ để chủ động đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác đi kiểm tra việc cách ly, điều trị tại BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Sở Y tế rà soát lại năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của các bệnh viện; khẩn trương củng cố điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu; tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện; cử ngay các kíp điều trị đi đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối...
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho 100% người làm việc tại các cơ quan trọng yếu của tỉnh, công việc có nguy cơ nhiễm bệnh cao; thực hiện xét nghiệm chủ động ngẫu nhiên tối thiểu 50% đối với các trường hợp đi/đến/về từ Hà Nội và các địa phương có dịch trong vòng 14 ngày (trừ đối tượng bắt buộc xét nghiệm theo quy định), kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa; xét nghiệm chủ động ngẫu nhiên khoảng 30% người lao động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh phí do doanh nghiệp chi trả.
Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch tại đơn vị; thực hiện ngay việc nghiêm cấm người không có nhiệm vụ ra vào các cơ sở khám chữa bệnh (bao gồm cả ra vào thăm người bệnh); tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh và lây lan trong cơ sở y tế.
Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện: tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quản lý chặt chẽ các nhà máy, doanh nghiệp, xí nghiệp, công ty; kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, yêu cầu thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; chủ động xây dựng và triển khai nghiêm túc phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong đơn vị, đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 trong sản xuất, kinh doanh.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đẩy nhanh việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất,… phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân mắc COVID 19 theo hướng dẫn tại Văn bản số 4841/BTC-HCSN ngày 12/5/2021 của Bộ Tài chính về nguồn kinh phí, cơ chế mua sắm trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh chi trả các chế độ phòng, chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu; đôn đốc, chỉ đạo việc chi trả chế độ chính sách cho các lực lượng khác, nhất là cán bộ y tế cơ sở theo quy định phân cấp ngân sách; định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phòng, chống; tuyên truyền các thông điệp về trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và xã hội trong phòng, chống dịch; khuyến cáo người dân không đi đến/về từ các vùng có dịch.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hành khách tại các điểm giao thông vào địa bàn Hà Tĩnh; phối hợp quản lý người từ các vùng dịch về trên địa bàn xã, phường, thị trấn; tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.