Chiều 23/8, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã đi kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2024 tại các huyện Thạch Hà và Can Lộc.
Cùng đi có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan.
Tại huyện Thạch Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu tại vùng chuyển đổi, tập trung ruộng đất của thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương. Đây là vùng sản xuất theo cánh đồng lớn kết hợp với thực hiện quy trình một giống, một thời vụ canh tác nên năng suất lúa đạt rất cao, gần 3,2 tạ/sào.
Vụ hè thu, huyện Thạch Hà sản xuất trên diện tích hơn 7.300 ha. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch trên 1.800 ha, năng suất ước đạt hơn 54 tạ/ha.
Đoàn cũng đến kiểm tra mô hình nuôi chồn của anh Trần Văn Trường (thôn Tân Hòa, xã Tân Lâm Hương). Đây là một mô hình chăn nuôi mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, sau gần 1 năm xây dựng, mô hình của anh Trường có tổng đàn gần 80 con, bao gồm chồn mẹ, chồn con và chồn thương phẩm.
Chồn nuôi giống khoảng 8 tháng có giá trung bình từ 30 triệu đồng/cặp. Chồn nuôi lấy thịt có trọng lượng từ 0,6 - 1kg là có thể bán với giá hơn 1,9 triệu đồng/kg. Mô hình nuôi chồn hương đã góp phần đa dạng hóa vật nuôi, giúp người dân phát triển kinh tế tại địa phương.
Tại huyện Can Lộc, đoàn đến kiểm tra tiến độ thu hoạch và xuất bán lúa hè thu tại xã Vượng Lộc.
Vụ hè thu năm nay, Can Lộc gieo cấy gần 9.000 ha lúa. Nhờ chủ động kế hoạch sản xuất, huy động cơ giới hóa tập trung, toàn huyện đã thu hoạch trên 4.500 ha, năng suất ước đạt từ 54,3 tạ/ha (cao hơn năm 2023 là 0,82 tạ/ha).
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy gần hơn 44.800 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 13.000 ha (trên 30% diện tích). Qua đánh giá, lúa vụ hè thu năm nay cho năng suất cao, ước đạt 51,58 tạ/ha (cao hơn năm 2023 là 1,33 tạ/ha), nhiều địa phương trọng điểm sản xuất lúa như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh…, có thể đạt năng suất tới 53 - 54 tạ/ha. Hiện các địa phương đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch.
Thời gian qua, cấp ủy các cấp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 06). Đến nay, toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ 9.311,93 ha, đạt 62% chỉ tiêu tại Nghị quyết 06-NQ/TU.
Trên cơ sở này, các địa phương xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, đồng bộ về hạ tầng, thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch hè thu. Các địa phương tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, hữu cơ...), ứng dụng khoa học - kỹ thuật để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm lúa gạo nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích gieo cấy.
Qua kiểm tra thực tế ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc và nghe ngành NN&PTNT báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của ngành chuyên môn, cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của bà con nông dân; nhờ đó, vụ hè thu năm nay tiếp tục giành thắng lợi với năng suất cao. Đặc biệt, phong trào tập trung, tích tụ ruộng đất được quan tâm, đẩy mạnh, trở thành động lực cho các địa phương và bà con nông dân đầu tư sản xuất, đồng nhất về giống, thời vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng yếu tố an toàn cho sản xuất.
Chia vui với bà con nông dân, ngành NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phấn đấu cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ hè thu trước ngày 5/9.
Theo đó, cần huy động, bố trí máy gặt phù hợp giữa các vùng; đôn đốc người dân thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; ưu tiên thu hoạch trước những khu vực thuộc vùng trũng, thấp, thường xẩy ra ngập lụt. Tiếp tục có phương án huy động máy móc, phương tiện giúp đỡ nông dân từ khâu thu hoạch lẫn bảo quản sau thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ngành NN&PTNT và các địa phương tiếp tục chủ động kết nối với các doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo cho người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm, thực hiện các giải pháp khuyến khích, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp với các đối tượng nuôi trồng mới, cho giá trị kinh tế cao; chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tăng cường liên kết trong sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích nhằm hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.