Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass. (Ảnh: AFP)
Những người nghèo cùng cực theo ngưỡng do Liên hợp quốc đưa ra vào năm 2018 là người có thu nhập dưới 1,9 USD (44.000 đồng)/ngày.
Định chế tài chính có trụ sở đặt tại thủ đô Washington, Mỹ này hồi tháng 5 ước tính có khoảng 60 triệu người trên thế giới sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực do đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ước tính mới, mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng ngày một trầm trọng hơn khi có khoảng từ 70 đến 100 triệu người dân trên toàn thế giới được dự báo có nguy cơ rơi vào diện có thu nhập dưới 44.000 đồng/ngày.
“Con số dự báo này có thể sẽ còn tăng” khi đại dịch tồi tệ hơn hoặc kéo dài, Chủ tịch WB nói.
Theo ông Malpass, tình hình hiện nay cho thấy các nước chủ nợ cần nhanh chóng giảm số nợ đang đứng trước rủi ro của các nước nghèo, sau khi cam kết cho phép hoãn thanh toán. Ngay cả như vậy, sẽ có thêm các quốc gia sẽ buộc phải tái cơ cấu nợ.
Tháng 4/2020, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua Sáng kiến tạm ngừng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi (gọi tắt là DSSI) đối với các khoản nợ song phương cho 77 quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp (bao gồm 76 quốc gia thuộc Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA và Angola), với khoảng 12 tỷ USD đến hạn phải trả từ ngày 1/5/2020 sẽ được tạm ngừng nghĩa vụ trả nợ đến tháng 12/2020.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch WB, điều này là không đủ, bởi khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp vốn đang phải vật lộn, tập trung nguồn lực để đảm bảo cuộc sống và sinh kế của người dân, thì sẽ khó có khả năng để giải quyết tốt các khoản nợ.
Bên cạnh ca ngợi chính sách trên của G20 là “rất có ý nghĩa”, ông Malpass cho rằng, tùy vào tình hình cụ thể của mỗi quốc gia, mức giảm nợ sẽ là cần thiết.
WB đã cam kết tài trợ 160 tỷ USD cho 100 quốc gia cho đến tháng 6/2021, nhằm giải quyết tình huống khẩn cấp hiện nay và khoảng 21 tỷ USD đã được giải ngân cho đến cuối tháng 6/2020. Nhưng dù vậy, số người cực đói nghèo, với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày, tiếp tục tăng.
Ông Malpass cho rằng điều này là do sự kết hợp giữa tình trạng mất việc làm do dịch và các vấn đề về nguồn cung khiến việc tiếp cận thực phẩm khó khăn hơn. Tất cả những vấn đề này đã đẩy nhiều người trở lại cảnh đói nghèo cùng cực nếu khủng hoảng kinh tế còn kéo dài hơn.