Ông Tiến kể, dù rất thiết tha xây dựng khu vườn mẫu nhưng đến năm 2017, sau khi khu vườn trồng keo rộng hơn 2.500m2 bị bão số 10 quật ngã, ông mới chính thức bắt tay vào cải tạo, quy hoạch vườn. Ông đã dày công đi vào miền Nam để tìm hiểu và đã được những người chủ miệt vườn rộng lòng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật rất tận tình.
Tìm hiểu, tích lũy thêm kiến thức từ nhiều tài liệu, ông Tiến nghiên cứu kỹ địa hình, chất đất của khu vườn để chọn loại cây, nguồn giống phù hợp. Ổi (giống Đài Loan, Nữ hoàng) và bưởi da xanh là 2 loại cây được ông Tiến xác định là sản phẩm chủ lực và được lấy giống ở nhà vườn có uy tín ở miền Nam. Mới chỉ xuống giống từ đầu năm 2018, nhưng với kỹ thuật cao cùng sự tỉ mẩn trong trồng, chăm sóc, đến cuối năm 40 gốc ổi đã cho mùa quả đầu tiên. Năm 2019 ông tiếp tục nhân rộng lên 2 sào với 100 gốc ổi và trồng 30 gốc bưởi da xanh.
Bao quanh khu vườn là hàng trăm gốc chuối với nhiều chủng loại, vừa gia tăng sản phẩm, vừa giữ màu xanh cho khu vườn
Đặc biệt, 1 sào đất được bố trí trồng mía, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao ...
Chiếc máy ép nước mía giúp ông bà tiêu thụ số lượng lớn 1 sào mía trong vườn; số còn lại được khách hàng khắp các xã trong huyện đến tận nơi mua
Làm vườn, theo ông Tiến, mỗi công đoạn đều phải hết sức chi tiết và tỉ mẩn, từ lúc bắt đầu giống xuống đến quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa, đốn cây...
Tuy nhiên, yếu tố sống còn của khu vườn đó chính là nguồn nước tưới. Vì vậy, ngay khi xây dựng vườn mẫu, ông Tiến đã bỏ ra 15 triệu đồng để thuê thợ khoan địa chất về khoan chiếc giếng to, sâu hơn 40m, nước không bao giờ cạn
Cùng đó, các bét tưới được lắp đặt ở dưới mỗi gốc cây và hệ thống ống dẫn nước được trang bị đầy đủ để có thể dẫn nước đến khắp khu vườn
Ông Tiến chia sẻ, nếu gặp các đợt nắng hạn như năm nay, cùng với thiết bị đã có sẵn, người làm vườn cũng phải có kỹ thuật tưới và sáng tạo thêm những cách giữ ẩm cho cây thì mới giữ được màu xanh khu vườn. Ngoài việc lưu ý thời gian tưới phù hợp (sáng sớm hoặc chiều tối) và đảm bảo tưới ở đâu phải no nước ở đó, người nông dân còn cần biết cách sử dụng các vật dụng (lá cây, rơm rạ hay chăn bông, đệm ấm không còn sử dụng) để giữ độ ẩm cho cây trồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Hải Thành cho biết, xã Kỳ Phong có 30 gia đình xây dựng vườn mẫu, nhưng vườn ông Tiến xếp hàng đầu về kỹ thuật, sự đầu tư bài bản. Như đợt nắng hạn khốc liệt hơn 1 tháng qua, trong khi nhiều khu vườn đã xác xơ cháy nắng thì vườn ông Tiến vẫn xanh tươi, sản phẩm vẫn tiêu thụ đều đặn.
Chỉ 1 năm gây dựng, nhưng nhờ được quy hoạch đẹp, hợp lý, sản phẩm có uy tín, luôn chủ động đầu ra nên vườn ông Tiến đạt giải nhì cuộc thi vườn mẫu toàn huyện Kỳ Anh vào cuối năm 2018.
Khu vườn của ông Trần Văn Tiến được đánh giá cao ở sự tính toán tỉ mỉ đầu vào, đầu ra của sản phẩm và sự kỳ công của người chủ vườn trong từng công đoạn sản xuất. Được khách hàng tin tưởng truyền tai nhau về sự an toàn trong quy trình sản xuất nên sản phẩm hầu như đều được tiêu thụ tại chỗ. Mới chỉ gần 2 năm làm vườn, gia đình ông Tiến đã nhẹ nhàng "bỏ túi" trên 100 triệu đồng/năm. Ông Tiến còn thường được mời tham gia các diễn đàn về phát triển kinh tế vườn do huyện, tỉnh tổ chức để truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn cho bà con làm vườn.