Trong Hội nghị Phòng vệ Hành tinh thường niên do Liên hợp quốc và Cơ quan Vũ trụ châu Âu tổ chức cuối tháng 4, chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu vũ trụ khắp nơi tham gia vào một tình huống mô phỏng thú vị: một khối thiên thạch tưởng tượng có tên là 2021 PDC sẽ đâm vào Trái Đất.
Hình ảnh một thiên thạch trong không gian. Ảnh: ESA .
Theo dự tính, khối thiên thạch hư cấu có đường kính tầm 100 mét. Nó sẽ tiếp xúc với châu Âu tại Cộng hòa Czech. Con người chỉ có 6 tháng để ngăn chặn đại hoạ trên.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp để cứu người, nhưng hầu hết đều không khả thi.
Cách đơn giản nhất để ngăn chặn 2021 PDC là đẩy nó ra khỏi quỹ đạo dẫn đến Địa Cầu, nhưng nhiều người cho rằng đây là lúc thiên thạch đã đến quá gần với Trái Đất để thực hiện điều này.
Ngoài ra, lực mà con người có thể tác động lên thiên thạch là quá nhỏ để thay đổi quỹ đạo của nó. Nếu làm không chuẩn, có khả năng khối này sẽ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và còn tạo ra nhiều nguy cơ hơn.
Một nhà nghiên cứu khác đã đề xuất sử dụng sức công phá của vũ khí hạt nhân để loại bỏ hoàn toàn 2021 PDC từ không gian.
Đây là một trong những giải pháp tốt nhất của nhân loại. Nhưng trớ trêu thay, nó không khả thi do luật quốc tế không cho phép quốc gia nào dùng tên lửa hạt nhân ngoài vũ trụ.
Thiên thạch sẽ gây ra thương vong đáng kể khi đâm vào Trái Đất. Ảnh: The Canberra Times .
Sau vài ngày bàn luận, Nhóm Cố vấn và Lập kế hoạch Nhiệm vụ Không gian của LHQ (SMPAG) đã tuyên bố là không còn cách nào để có thể ngăn chặn khối thiên thạch giả tưởng trên.
2021 PDC sẽ gây ra hậu quả khôn lường trong phạm vi 300 km từ tâm chấn, ảnh hưởng đến Cộng hòa Czech và các nước lân cận như Đức hay Áo.
Tất nhiên đây chỉ là một tình huống mô phỏng và các nhà khoa học chỉ được bàn luận trong vài ngày ít ỏi.
Trong vòng 6 tháng trời, nhiều khả năng con người sẽ nghĩ ra được thêm nhiều giải pháp cho viên thiên thạch này. Chắc chắn, một số luật quốc tế sẽ được nới lỏng và nhân loại sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn thảm họa.