Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trang bị máy tính có kết nối internet miễn phí để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Hà Tĩnh đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện. Trong đó, một trong những thước đo của quá trình chuyển đổi số là xây dựng chính quyền số.
Một trong những thước đo của chính quyền số là cung cấp dịch vụ công hành chính. Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực, 6 tháng đầu năm nay đạt 53%.
Tỷ lệ tiếp nhận thủ tục hành chính của Sở Công thương đạt trên 99%.
Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hoàng Tùng Phong chia sẻ: Hà Tĩnh đã thực hiện liên thông hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hệ thống quốc gia (người dân có thể sử dụng tài khoản chung để giao dịch). Bên cạnh đó, đã tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến.
Theo Quyết định 1656/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay có 496 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 131 thủ tục cấp huyện và 67 thủ tục cấp xã, phường đủ điều kiện đạt mức độ toàn trình (việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều trên môi trường mạng, việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích). Nhiều ban, ngành đạt tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến cao như: Sở TT&TT đạt 100%, Sở Công thương đạt 99,15%, các Sở KH&CN, VH-TT&DL đạt trên 85%...
Huyện Thạch Hà triển khai “Phòng họp không giấy tờ”.
Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) đạt tỷ lệ 100%. Nhiều đơn vị, địa phương cũng đang triển khai thực hiện “phòng họp không giấy tờ”, các, văn bản, tài liệu sẽ được cung cấp trên môi trường mạng…
Nhìn chung, thời gian qua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực đưa các hoạt động lên môi trường số, không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả mà còn đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép người dân, doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.
Công ty CP CED Central sử dụng một diện tích vừa phải với mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP...
Một trong những điểm sáng nữa trong ứng dụng công nghệ số ở Hà Tĩnh là “kinh tế số”. Trong đó, hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Phan Thị Dung – Giám đốc Công ty CP CED Central (TP Hà Tĩnh) cho hay, công ty sử dụng một diện tích vừa phải với mục đích giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP. Phần lớn các giao dịch, mua bán sản phẩm được thực hiện trên môi trường mạng (chiếm 70%). Nhờ đó, chúng tôi tiết kiệm được chi phí kho bãi, nhân lực… để tối ưu lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sử dụng phần mềm để quản lý hàng hóa, xây dựng website riêng để giới thiệu, kinh doanh các mặt hàng, ứng dụng các nền tảng số khác như mạng xã hội để tiếp thị, bán hàng; kết nối với các hệ thống ngân hàng để phục vụ thanh toán trực tuyến…".
... và phần lớn các giao dịch, mua bán sản phẩm được thực hiện trên môi trường mạng
Bên cạnh phát triển thương mại điện tử, Hà Tĩnh cũng đang thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, chuyển đổi số trong quản lý để có chính sách, điều hành kịp thời như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch… Đặc biệt, một số địa phương đang triển khai thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh để kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, và để cộng đồng trong thôn chia sẻ kinh nghiệm cũng như giám sát lẫn nhau trong thực hiện quy trình sản xuất, vệ sinh môi trường.
Từ giữa tháng 6/2022, Ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh đã phối hợp với Viettel triển khai dự án “Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt”.
Có thể thấy, công cuộc chuyển đổi số đã tạo hiệu ứng tích cực đến mọi mặt của hoạt động xã hội. Hầu hết người dân đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động đời sống, sản xuất. Hiện tại, Hà Tĩnh cũng đang chuẩn bị triển khai tổ chuyển đối số cộng đồng nhằm đưa các nền tảng số, công nghệ số đến người dân nhanh hơn, thường xuyên hơn, phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày.
Người dân Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ để thanh toán trực tuyến.
Ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển và hội nhập, nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp cho người dân thông qua việc thụ hưởng những điều kiện tốt nhất từ việc ứng dụng các nền tảng công nghệ.
“Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” là chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 (10/10). Thiết thực chào mừng và lan tỏa sự kiện lớn này, Hà Tĩnh đang tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số… theo định hướng của Chính phủ.
Theo đó, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền và tổ chức ra quân tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn. Các cấp, ngành, đơn vị cũng sẽ đồng loạt triển khai các hoạt động phát động chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, gồm: phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cộng đồng với tinh thần “khỏe trong môi trường thực để khỏe trong môi trường số”; tổ chức các hoạt động khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; thúc đẩy mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy sử dụng ngân hàng số...