Khai thác tối đa dư địa, thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Hà Tĩnh đã đi qua gần 2/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều chỉ tiêu chuyển biến tốt, phản ánh quá trình phục hồi của nền kinh tế theo chiều hướng tích cực.
Thu ngân sách Nhà nước trở thành điểm sáng của KT-XH với số thu 8 tháng năm 2024 ước đạt 12.580 tỷ đồng, bằng 72% dự toán tỉnh giao. Ngành thương mại - dịch vụ ghi nhận tín hiệu tích cực với tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt trên 54.480 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Các dự án công nghiệp trọng điểm được tập trung đẩy nhanh để sớm đi vào hoạt động.
Đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (dự án VSIP) được khởi công vào tháng 6, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7 là hai sự kiện đặc biệt có ý nghĩa, kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế tỉnh nhà trong thời gian tới.
Ông Lê Xuân Từ - Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: “Hai dự án hạ tầng công nghiệp được khởi công và chấp thuận chủ trương đầu tư đánh dấu bước đột phá trong thu hút đầu tư, góp phần phát triển công nghiệp theo chiều sâu, gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững theo định hướng của tỉnh. Các khu công nghiệp khi đi vào hoạt động sẽ thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư, tạo thêm nhiều sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình công nghiệp, làm tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế”.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện khá thuận lợi và đạt kết quả toàn diện. Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ tiếp tục được nhân rộng với kết quả bước đầu tích cực.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tỉnh đã tập trung ưu tiên các giải pháp và nguồn lực thúc đẩy phát triển SXKD, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được chú trọng. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng ước đạt 70,3% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn trung bình chung cả nước; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã hoàn thành. Trong 8 tháng, toàn tỉnh có 878 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới, 18 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục đạt kết quả ấn tượng, toàn diện. Năm nay, niềm vui lớn tiếp tục đến với ngành GD-ĐT khi em Trần Minh Hoàng - học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đoạt HCB Cuộc thi Olympic Toán học quốc tế, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp, học sinh tỉnh nhà giành huy chương Olympic quốc tế. Chính sách giảm nghèo bền vững, hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân… được thực hiện kịp thời, hiệu quả. QP-AN được giữ vững.
Những “quả ngọt” đó là động lực quan trọng để cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực, song thử thách cũng không ít khi dự báo bối cảnh thế giới và trong nước vẫn có những yếu tố bất lợi. Trên cơ sở phân tích những thời cơ, thách thức trong chặng đường từ nay tới cuối năm, để tạo bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2024, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8-8,5%, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, tăng tốc triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng khai thác tối đa dư địa của các ngành, lĩnh vực và các động lực tăng trưởng.
Theo ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở KH&ĐT, từ nay tới cuối năm, các sở, ban, ngành, địa phương cần rà soát các chỉ tiêu, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt chỉ đạo, thực hiện. Trong đó, tiếp tục tập trung phục hồi sản xuất công nghiệp, đảm bảo tiến độ các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo quyết liệt thu ngân sách; tập trung nhiệm vụ xây dựng NTM; quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; quan tâm lĩnh vực văn hóa - xã hội, chính sách an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược
Những kết quả đạt được, những định hướng, giải pháp phát triển KT-XH năm 2024 không chỉ mang ý nghĩa thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm mà còn tạo đà cho năm cuối kỳ kế hoạch 2021-2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, từng bước hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên hành trình thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực theo hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, đảm bảo phát triển hài hòa lĩnh vực văn hóa - xã hội với tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, đề ra các chính sách xây dựng tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, ban hành nghị quyết về phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, chương trình hành động đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Xác định sản xuất công nghiệp là động lực đột phá, tỉnh ưu tiên tập trung thu hút các dự án đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, từng bước phát triển với mục tiêu tăng trưởng xanh. Nhiều dự án công nghiệp xanh được đầu tư, triển khai như: Nhà máy Sản xuất Pin VinES, Nhà máy Sản xuất bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh; các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, dự án Khu công nghiệp VSIP đang triển khai được định hướng trở thành khu công nghiệp xanh, hiện đại, bền vững.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển, khai thác lợi thế cảng biển để phát triển dịch vụ logistics; phát huy các giá trị di sản văn hóa, đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái; quy hoạch, phát triển đô thị hướng đến mục tiêu đô thị xanh…
Vừa qua, hội thảo “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới” được tỉnh Hà Tĩnh, Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội và Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức tiếp tục hiện thực hóa các nhiệm vụ của tỉnh trên hành trình chuyển đổi xanh. Hội thảo đã nghe các nhà khoa học cung cấp thêm những luận cứ khoa học và bài học thực tiễn cho việc hoàn thiện chính sách, chiến lược, bổ sung nhiều giải pháp đặc thù trong tạo động lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cho Hà Tĩnh.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: “Hà Tĩnh xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030 của tỉnh cũng xác định 3 trụ cột tăng trưởng xanh gồm: xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và xanh hóa quá trình chuyển đổi. Theo đó, đề ra mục tiêu cụ thể: tăng trưởng kinh tế bình quân trên 9%, kinh tế số chiếm 30%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 52%; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định; chỉ số phát triển con người phấn đấu cao hơn mức trung bình của cả nước”.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhất quán quan điểm tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; khẳng định mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tỉnh tiếp tục chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền về vai trò của tăng trưởng xanh, khuyến khích các chủ thể, nhất là doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia; thu hút các dự án tăng trưởng xanh; “xanh hóa” sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho thực hiện quá trình chuyển đổi xanh; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các mô hình SXKD gắn với tăng trưởng xanh…
Thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, gắn với từng giai đoạn phát triển. Quá trình này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.