Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết mặc dù nước ta đã đạt mức sinh thay thế và giữ được mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc từ năm 2006, nhưng chưa thật sự vững chắc.
Cụ thể, tổng tỷ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ. Năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, giảm nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Cá nhân, vợ chồng tự quyết định số con
Theo Bộ Y tế, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, một số nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao (trên 2,5 con).
Hiện nay, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí một số địa phương mức sinh đã xuống rất thấp. Những địa phương này tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Duyên hải miền Trung.
Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Vì vậy, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con.
Khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.
Bộ Y tế đánh giá giải pháp này khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, gây già hóa trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhìn từ góc độ tác động giới, giải pháp không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng và trao quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Giải pháp này sẽ tạo cho mỗi giới sự bình đẳng về mặt pháp lý. Trên thực tế về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện, thụ hưởng các quyền và lợi ích từ quy định này một cách chủ động.
Vì vậy, giải pháp này có tác động giới tích cực hơn, góp phần đảm bảo bình đẳng giới cả về pháp lý và về thực tiễn của nam, nữ, của vợ, chồng.
Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho những người thực hiện chính sách.
Yếu tố then chốt để thúc đẩy tỷ lệ sinh con
Trước đề xuất của Bộ Y tế, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục dân số TP.HCM, nhận định đây là một phương án thực tế để khuyến khích người dân sinh thêm con trước tình trạng đáng báo động mức sinh thấp.
“Để các cặp vợ chồng tự do quyết định số con mong muốn của họ, là yếu tố then chốt để cởi trói chính sách nhằm khuyến khích người dân sinh con. Muốn chính sách được thực hiện hiệu quả thì người dân phải có tư duy đúng trong điều kiện chăm sóc con cái, để thế hệ tiếp theo được hưởng những gì tốt nhất”, ông Trung nói.
Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình TP.HCM, trung bình phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP.HCM có 1,32 con. Trong khi đó, năm ngoái, số con trung bình là 1,42. Trong suốt 20 năm qua, mức sinh ở TP.HCM luôn thấp hơn so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con/mỗi phụ nữ).
"Số người cao tuổi trên địa bàn thành phố đã là 1,3 triệu người. TP.HCM đã bước vào quá trình già hoá dân số, điều này bị tác động bởi mức sinh thấp, mức chết thấp, tuổi thọ trung bình cao", ông Phạm Chánh Trung chia sẻ.
Việc giải quyết mức sinh thấp bằng tiền, giải pháp kinh tế đã được các nước phát triển thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, phương pháp này chưa thực sự giải quyết được vấn đề mức sinh thấp.
Từ bài học đó, ngành dân số thành phố đã điều chỉnh chính sách, tác động người dân ở nhiều góc độ từ kinh tế đến truyền thông.
"Thời gian tới, có thể TP.HCM sẽ hỗ trợ một phần kinh phí khám và chăm sóc trong suốt thời kỳ thai sản, hỗ trợ chi phí khám trước khi kết hôn cho người dân", Chi cục Trưởng Chi cục dân số TP.HCM cho hay.