Mỗi gia đình tự quyết định số con
Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho hay mức sinh thay thế đang giảm nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, tổng tỉ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Trong khi đó, tại một số nơi điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con.
Để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con.
Khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân.
Đây là đề xuất thay đổi so với pháp lệnh dân số đang thi hành hiện nay quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được "sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định...".
Căn cứ quy định này, Chính phủ quy định 7 trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con.
Bộ Y tế đánh giá giải pháp này khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, gây già hóa trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên để thực hiện giải pháp này, Bộ Y tế cho rằng Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho các đối tượng thực hiện chính sách.
Đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục trước và sau khi ban hành luật, tránh lợi dụng việc quy định quyền tự quyết định về số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân để vụ lợi, tuyên truyền, thực hiện trái với chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số.
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Trong dự án luật, Bộ Y tế cũng hướng đến chính sách nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, Bộ Y tế nêu rõ nhiều năm qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi.
Từ năm 2012 đến nay luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. Tỉ số giới tính khi sinh năm 2020 giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2021: 112 bé trai/100 bé gái; năm 2022: 113,7 bé trai/100 bé gái; năm 2023: 113,6 bé trai/100 bé gái).
Nếu tỉ số giới tính khi sinh tiếp tục cao trong các năm tiếp theo thì đến năm 2050 nước ta sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.
Bộ Y tế đề xuất ngoài chính sách tuyên truyền, vận động, xóa bỏ định kiến giới, sẽ rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi và phân biệt đối xử giới dưới mọi hình thức.
Sửa đổi, tăng các chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm;
Quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc thực hiện nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng việc lạm dụng các công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh, trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức thực hiện.
Bộ Y tế đánh giá, chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh theo quy luật sinh sản tự nhiên.
Ngoài ra, dự án Luật Dân số cũng xây dựng các chính sách liên quan đến thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bổ dân số hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.