Chuyên gia "hiến kế" để Hà Tĩnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

(Baohatinh.vn) - Tại hội thảo "Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”, các chuyên gia đã phân tích các luận cứ khoa học và thực tiễn, bổ sung những giải pháp mang tính đặc thù, vượt trội trong tạo động lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh cho Hà Tĩnh.

aIMG_1473.jpg
Hội thảo “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới” do Hà Tĩnh phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam, Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức.

Sáng 10/8, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam, Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”.

Các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS. NGND Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng nhóm Tư vấn; GS.TS Trần Đình Hòa - Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình; Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến; Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội Đặng Quốc Tiến; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, Hội Khoa học Kinh tế tỉnh, hiệp hội, các hội doanh nghiệp, nhà đầu tư.

aIMG_1350.jpg
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội Đặng Quốc Tiến và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; GS.TS. Trần Thanh Hải, GS.TS. Trần Đình Hoà, GS.TS. Lê Anh Tuấn - thành viên Nhóm Tư vấn phát triển bền vững Hà Tĩnh tại Hà Nội được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành.
aIMG_1443.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu đặt vấn đề tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế thuộc nhóm khá của cả nước, một số dự án công nghiệp lớn như thép, điện… đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tỉnh xác định chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển KT-XH. Tuy vậy, Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác, đang đứng trước áp lực rất lớn trong việc đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

aIMG_1375.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải khai mạc hội thảo.

Hội thảo sẽ góp phần cung cấp các cơ sở khoa học vững chắc để tỉnh thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, sắp xếp không gian phát triển cho các ngành trọng điểm, các trung tâm đô thị, các trung tâm động lực tăng trưởng; nghiên cứu các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện cam kết của Chính phủ và trong xu hướng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của thế giới, khu vực, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương sớm ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh.

Theo đó, ngày 2/4/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 778/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đến năm 2030, nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh cũng xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu chiến lược lâu dài với quan điểm chủ đạo: “Phát triển KT-XH Hà Tĩnh theo hướng xanh và bền vững, trong đó lấy con người làm trung tâm, khoa học công nghệ làm nền tảng, là động lực phát triển. Tận dụng tốt nhất cơ hội của cách mạng 4.0”.

Từ những cơ chế, chính sách của Trung ương và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, Hà Tĩnh đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định trong phát triển kinh tế xanh, trên các khía cạnh: phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thu hút các dự án năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ); du lịch biển, sinh thái; nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và bảo tồn rừng tự nhiên, hệ sinh thái và trồng rừng...

Nhằm đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển xanh để phát triển bền vững, mục tiêu của Hà Tĩnh giai đoạn tới là: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.

Báo cáo đề dẫn: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh để kiến tạo không gian cho phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn: xu hướng thế giới, Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh”, GS.TS. NGND Mai Trọng Nhuận - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng nhóm Tư vấn phát triển bền vững tại Hà Nội đã thông tin về xu hướng xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trên thế giới; các cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các địa phương ở Việt Nam; đóng góp và tiềm năng của kinh tế xanh ở các địa phương…

aIMG_1389.jpg
GS.TS. NGND Mai Trọng Nhuận báo cáo đề dẫn

Tăng trưởng xanh là quá trình cơ cấu lại các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hài hòa với các mục tiêu bền vững môi trường và bảo đảm công bằng xã hội trong quá trình chuyển đổi xanh. Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Tính đến hết năm 2023, đã có 46 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo hơn 7,2 tỉ USD vào năm 2021 (chiếm khoảng 2% tổng GDP) cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế xanh, Việt Nam đã có những ảnh hưởng tích cực đến các yếu tố xã hội, đặc biệt trong việc tạo ra các việc làm xanh. Năm 2021, nền kinh tế xanh đem lại hơn 500.000 việc làm xanh.

GS.TS. NGND Mai Trọng Nhuận cũng nhấn mạnh: các bài học kinh nghiệm để tạo nên thành công của chiến lược tăng trưởng xanh là: các chiến lược và kế hoạch chi tiết và rõ ràng; hệ thống khung pháp lý đồng bộ với các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng xanh phù hợp; triển khai sớm các dự án xanh thí điểm, đặc biệt trong những ngành, lĩnh vực công nghệ mới; kế hoạch huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh toàn diện và hệ thống quản trị, thực thi chiến lược xanh tích cực và sát sao.

aIMG_1435.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tham luận nội dung: Phát triển xanh của Hà Tĩnh trong động thái phát triển thời đại.

Tại hội thảo, đại biểu được nghe các tham luận chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về mục tiêu tăng trưởng xanh cho Hà Tĩnh trên các lĩnh vực.

Các tham luận đã phác họa bức tranh tổng thể về tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững; đi sâu vào phân tích xu hướng chuyển đổi xanh trên thế giới, Việt Nam, đưa ra khuyến nghị đối với Hà Tĩnh.

3-6694.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

GS.TS - NGND Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế tỉnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh đưa ra các quan niệm về du lịch xanh và làm rõ hơn các nội dung: sản phẩm du lịch xanh có hàm lượng cao các yếu tố thân thiện môi trường; phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và giới thiệu một số mô hình du lịch xanh trên thế giới và ở Việt Nam. Đồng thời, nêu những gợi ý và bài học kinh nghiệm cho ngành du lịch Hà Tĩnh trong việc xây dựng các mô hình du lịch xanh.

aIMG_1468.jpg
GS.TS - NGND Nguyễn Văn Đính đưa ra một số gợi ý về mô hình du lịch xanh.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đưa ra các luận cứ về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh trong xu thế tất yếu của thế giới; những vấn đề đặt ra đối với Hà Tĩnh cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và đề xuất, khuyến nghị Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh theo ngành, lĩnh vực, công nghiệp, xây dựng đô thị, nông nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, môi trường… và chuyển đổi xanh theo không gian lãnh thổ.

a111.jpg
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh làm rõ những vấn đề đặt ra với Hà Tĩnh trong chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP Tư vấn, đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới giới thiệu các loại hình đô thị bền vững mà các quốc gia trên thế giới đang theo đuổi, trong đó có giao thông công cộng ở các đô thị, chất lượng nhà ở, các không gian công cộng, xử lý chất thải, đô thị tuần hoàn.

Từ đó, gợi ý cho chiến lược phát triển đô thị xanh tại Hà Tĩnh có thể dựa vào một quá trình bứt phá xây dựng kế hoạch đô thị xanh, đô thị bền vững và áp dụng mô hình Green TOD như một công cụ thích hợp nhất với đặc thù đô thị của Hà Tĩnh

aIMG_1521.jpg
TS.KTS Hoàng Hữu Phê tham luận chủ đề: Metabolism đô thị đến đô thị bền vững và chiến lược phát triển các thành phố xanh ở Hà Tĩnh.

GS.TS Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội làm rõ hơn các chính sách về năng lượng sạch, một số công nghệ về năng lượng sạch, giới thiệu lộ trình hướng tới Net- Zero vào năm 2050 theo chiến lược biến đổi khí hậu quốc gia; các giải pháp kỹ thuật – công nghệ để giảm phát thải…

Đặt vấn đề nguồn năng lượng nào cho Hà Tĩnh để phát triển xanh, GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng cần quy hoạch và xây dựng quỹ đất cho năng lượng tái tạo, bao gồm quy hoạch đất trồng sinh khối và cây làm nhiên liệu; điện hóa tối đa phương tiện, trang thiết bị sử dụng năng lượng; tiến đến loại bỏ than trong các dây chuyền, thiết bị công nghệ mới…

a122.jpg
GS.TS Lê Anh Tuấn trình bày nội dung: Chính sách và công nghệ năng lượng sạch hướng tới phát thải ròng bằng zero và nhận định về năng lượng của Hà Tĩnh.

GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ địa chất phân tích đặc điểm và hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên địa chất ở Hà Tĩnh. Từ đó, đưa ra một số kết luận về vai trò của tài nguyên địa chất trong nền kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh cũng như ứng dụng vào thực tiễn để phát triển, khai thác bền vững nguồn tài nguyên địa chất phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của tỉnh Hà Tĩnh.

Hội thảo cũng đã nghe tham luận với các chủ đề: Định hướng và giải pháp phát triển du lịch xanh của tỉnh; Trồng rừng bản địa - tiềm năng lớn về kinh tế xanh của Hà Tĩnh; Phát triển xanh của Hà Tĩnh trong động thái phát triển thời đại.

aIMG_1605.jpg
TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu ý kiến về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và hợp tác xã để hướng đến tăng trưởng xanh.

Các chuyên gia cũng đã thảo luận, gợi mở các vấn đề và giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững như: xây dựng các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong xu hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng nguồn tài nguyên nước, phát triển các mô hình du lịch gắn với du lịch sinh thái, cội nguồn văn hóa; đề xuất mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý nước thải sinh hoạt nông thôn; phân tích các yếu tố cần chấm dứt Dự án khai thác, tuyển quặng, chế biến thép mỏ Thạch Khê để Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và an toàn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và hợp tác xã để hướng đến chuyển đổi xanh; nâng hạng chỉ số xanh cấp tỉnh...

aIMG_1589.jpg
PGS.TS. Trần Bỉnh Chư - Tổng Hội địa chất Việt Nam phân tích các yếu tố cần chấm dứt Dự án khai thác, tuyển quặng, chế biến sắt Thạch Khê để Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và an toàn.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và nhấn mạnh đây là nội dung phải làm, cần làm.

Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã hỗ trợ Hà Tĩnh tổ chức thành công hội thảo “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới”. Hội thảo là sự quy tụ trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học; là tâm huyết, ý chí, khát vọng của những người con Hà Tĩnh.

z5717532772604_456b07b844fbcac15affae4f133e8520.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tổng kết hội thảo.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, tuy các kết quả về tăng trưởng xanh tại Hà Tĩnh thời gian qua chưa thực sự nổi trội nhưng hướng đi đã được định hình. Với tiềm năng, lợi thế, tâm huyết của hệ thống chính trị và trách nhiệm của người dân, sự hỗ trợ, đồng hành của những người con Hà Tĩnh muôn phương, hi vọng Hà Tĩnh sẽ thuộc nhóm đi đầu trong các địa phương về thực hiện tăng trưởng xanh.

Qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở nhiều nội dung về xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong xu hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các nội dung được thảo luận tại hội thảo sẽ được Hà Tĩnh cụ thể hóa trong hoạch định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ tới.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị hệ thống chính trị của tỉnh, lãnh đạo các đơn vị, địa phương lĩnh hội, cụ thể hóa bằng những chương trình cụ thể. Phải luôn ý thức rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là con đường đưa đất nước phát triển bền vững, không hi sinh môi trường để đánh đổi kinh tế.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh qua các việc làm như trồng, bảo vệ cây xanh; phân loại xử lý rác thải; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường... Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án sạch, tuân thủ nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tạo đột phá cho quá trình chuyển đổi xanh, khai thác và quản lý bền vững tài nguyên, địa chất, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh; đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh...

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Báo Nhân Dân

Đọc thêm